Nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải tại Quảng Nam. Ảnh: Đức Thanh

Nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải tại Quảng Nam. Ảnh: Đức Thanh

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng

Cách tiếp cận đúng đắn nhất trong phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay là Nhà nước phải tạo bằng được một sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế.

Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng và là đòn bẩy để phát triển, nền kinh tế phải hội đủ những điều kiện tiên quyết kinh tế vĩ mô và vi mô.

Thường khi nói đến phát triển kinh tế tư nhân, các yếu tố vi mô như kỹ năng quản trị hay tiếp cận thị trường của doanh nghiệp được tập trung bàn thảo nhiều hơn.

Song trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên bài viết này chỉ tập trung bàn về khía cạnh vĩ mô và chủ yếu đi sâu vào vai trò của Nhà nước.

Câu hỏi chủ yếu ở đây là Nhà nước cần phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển hùng mạnh.

Tại sao phải trao phần thưởng cho nhà nước (kinh tế nhà nước) khi chưa ai thấy thị trường ra sao?

Chúng ta dễ thấy rằng, các tranh luận về chủ đề nhà nước và thị trường ngày càng phong phú hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhìn vào các cuộc tranh luận này, có vẻ như chúng ta đang ở trong tình thế hai nửa: thị trường và nhà nước.

Chúng ta vừa cần thị trường, chúng ta vừa cần nhà nước. Chúng ta cần phát triển kinh tế tư nhân, nhưng cũng vẫn phải phát triển kinh tế nhà nước. Thường thì các tranh luận là như vậy.

Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề không phức tạp đến mức như trong các tranh luận, phần lớn hơi nặng về ngữ nghĩa, chứ không đi sâu vào chất liệu hay nội hàm của vấn đề.

Kinh tế tư nhân chỉ có thể trở thành động lực mạnh và phát triển bền vững khi chúng ta không bỏ quên khu vực kinh tế phi chính thức    

Lịch sử đã cho thấy, thất bại của nhà nước (government failure), tức việc nhà nước can thiệp quá mạnh vào thị trường, luôn để lại những hậu quả nặng nề hơn (thậm chí khó chỉnh sửa hơn) so với thất bại của thị trường (market failurre).

Điều này hiển nhiên cho thấy, nhà nước cần phải hạn chế tối đa sự can thiệp của mình vào thị trường.

Trong một cuộc tranh luận về vai trò của nhà nước và thị trường ở Mỹ, khi được người dẫn chương trình đề nghị nói thật ngắn gọn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, GS. Michael Munger (Trường Đại học Duke, Mỹ) đã đưa ra một ẩn dụ thật dí dỏm về một cuộc thi để chọn ra một chú heo dễ thương nhất trong số hai chú heo dự thi.

Khi nhìn thấy chú heo thứ nhất vào thi, các vị giám khảo thốt lên: “Chú này xấu quá, hãy trao giải nhì cho nó”. Michael Munger lập luận, chú heo thứ nhất (thị trường) đúng thật xấu xí, nhưng tại sao phải chọn chú thứ hai (nhà nước), khi mà không ai nhìn thấy nó.

Bây giờ, nhìn vào khu vực doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay, với tất cả những gì lịch sử để lại, câu chuyện còn lại là tái cấu trúc thế nào để khu vực này phát huy hiệu quả cao nhất theo cách tiếp cận đúng đắn và kế thừa những yếu tố của lịch sử.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng ảnh 1

Song nếu nói rằng, do khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn quá nhỏ bé, nên vẫn cần có những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế chính yếu của đất nước cũng có nghĩa là ta đang lặp lại sai lầm trong ẩn dụ của GS. Michael Munger.

John Stuart Mill, một triết gia và là nhà kinh tế nổi tiếng cổ súy cho kinh tế thị trường, trong tác phẩm Các nguyên lý kinh tế chính trị (1848) đã cho rằng, các ngọn hải đăng trên nước Anh cần được nhà nước xây dựng vì tư nhân không có khả năng thu phí, nên không có động lực để đầu tư vào các ngọn hải đăng.

Nhận định của John Stuart Mill đã sai lầm. Đến đầu thế kỷ XIX, tại nước Anh, ngay chính quê hương của John Stuart Mill, đã có đến 3/4 hải đăng được xây dựng bằng nguồn tài trợ từ gia đình của các thủy thủ và của các tổ chức phi lợi nhuận.

Quan điểm của John Stuart Mill phần nào phản ánh câu chuyện ẩn dụ của GS. Michael Munger ở trên. Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta lại trao phần thưởng cho nhà nước (kinh tế nhà nước), khi mà chưa ai thấy thị trường sẽ vận hành như thế nào.

Cách tiếp cận đúng đắn nhất trong phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay là nhà nước làm sao để thực hiện cho bằng được một sân chơi công bằng cho tất cả, chứ không phải vì khu vực kinh tế tư nhân còn nhỏ bé quá, nên trước mắt, phải nhờ đến các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chiến lược tầm quốc gia (tất nhiên, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng). Khi chúng ta vẫn còn có quan niệm như thế này, thì thật khó để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển lớn mạnh.

Nhà nước bằng mọi giá phải ổn định kinh tế vĩ mô

Khi bàn về vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường, một điều rất dễ bị bỏ qua là, cho dù ở bất kỳ thể chế chính trị nào, cho dù bất kỳ điều gì đang diễn ra trong một quốc gia, điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để giảm những can thiệp tùy ý của nhà nước vào thị trường.

Nhà nước bằng mọi giá phải tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế là hàm ý quan trọng để nói về giảm sự can thiệp tùy ý của nhà nước vào nền kinh tế.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman được người đời biết đến như là người bảo vệ nhiệt thành nhất, thậm chí cực đoan nhất cho thị trường tự do. Nhưng chính đề xuất của ông về việc chính phủ phải tạo ra sự ổn định vĩ mô qua cách thức ngân hàng trung ương quản lý cung tiền mới là điều làm cho ông trở nên nổi tiếng nhất.

Câu chuyện giải cứu hay không giải cứu hệ thống ngân hàng thương mại nước ta thời gian qua đã phảng phất phần nào các vấn đề mà Chính phủ Mỹ phải đối phó với hệ thống ngân hàng của họ   

Bàn về kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước, chúng ta cần tránh lặp lại sai lầm gắn dưới nhãn mác phi điều tiết (deregulation).

Đúng là phi điều tiết, tức tháo bỏ các rào cản hành chính và mọi thứ khác để mọi người đều bình đẳng có cơ hội đầu tư và làm giàu như nhau, nhưng cần phải phân biệt giữa phi điều tiết và việc mất khả năng của chính phủ để quản lý nền kinh tế phát triển ổn định.

Câu chuyện khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 khi mà chính sách tiền tệ và điều tiết hệ thống ngân hàng để cho nó phát triển tự do đến mức “quá lớn để không thể đổ vỡ” (và chính phủ phải ra tay giải cứu sau đó) là minh họa cho sự bất lực của chính phủ, chứ không phải là phi điều tiết.

Câu chuyện giải cứu hay không giải cứu hệ thống ngân hàng thương mại nước ta thời gian qua đã phảng phất phần nào các vấn đề mà Chính phủ Mỹ phải đối phó với hệ thống ngân hàng của họ.

Nhìn sâu xa hơn, khi nhà nước không thể đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thì chẳng những khu vực kinh tế tư nhân không thể hoạt động ổn định trong một môi trường đầy biến động, mà cuối cùng, khu vực kinh tế này phải gánh chịu mọi khó khăn từ sự bất ổn đó.

Việc nhà nước lựa chọn ra vài ngành công nghiệp nào đó hay một số khu vực kinh tế nhỏ lẻ nào đó (như chăn nuôi heo, cá…) để can thiệp vào thị trường bằng các chính sách hỗ trợ sẽ gây tổn hại rất lớn cho phát triển kinh tế   

Chạy đua theo thành tích tăng trưởng bằng mọi giá, để rồi nợ công tăng nhanh, gánh nặng thuế má, lạm phát, lãi suất cao cuối cùng sẽ dồn hết vào khu vực kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước hay các nhóm lợi ích thân hữu, với các quan hệ của mình, chẳng những họ có thể né được các bất ổn, mà còn làm giàu trên các bất ổn đó.

Sau các cơn sốt tỷ giá, giá vàng hay bất động sản thì ngày càng nhiều đại gia giàu lên, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngày càng teo tóp.

Để tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả thành phần kinh tế, đòi hỏi nhà nước phải hướng đến các giải pháp mang tính dài hạn hơn như cải cách thể chế, xóa bỏ và giảm hoàn toàn các thủ tục hành chính gây ra gánh nặng cho khu vực kinh tế tư nhân, thay cho các giải pháp mang tính hỗ trợ hoặc giải cứu một vài ngành nghề nào đó.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nhà nước lựa chọn ra vài ngành công nghiệp nào đó hay một số khu vực kinh tế nhỏ lẻ nào đó (như chăn nuôi heo, cá…) để can thiệp vào thị trường bằng các chính sách hỗ trợ sẽ gây tổn hại rất lớn cho phát triển kinh tế. Các chính sách này chẳng những làm cho thị trường phát triển méo mó, mà nguồn lực nền kinh tế bị phân bổ không đúng cách.

Các gói giải cứu, gói kích cầu vào một vài ngành nghề nào đó trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta thời gian qua có lẽ để lại nhiều câu hỏi hơn là giải pháp cho sự phát triển vững mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Phát triển kinh tế tư nhân và giảm nghèo

Các cải cách thể chế tạo ra một sân chơi bình đẳng, song vẫn khó với tới khu vực kinh tế phi chính thức (rất phổ biến ở các nền kinh tế đang phát triển).

Ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Tập trung đúng mức vào tăng trưởng tiềm năng của khu vực kinh tế phi chính thức là vai trò quan trọng của nhà nước.

Chính sách khả dĩ nhất là tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tận dụng được các nguồn lực tiềm tàng để kinh doanh và kiếm sống, đồng thời bảo đảm quyền sở hữu tài sản, đất đai để họ có thể thế chấp nhằm tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong quá trình mưu sinh của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
(Ảnh minh họa: Internet)

Chúng ta cần tránh những nhận thức không hay về sự tồn tại và phát triển kinh tế phi chính thức khi xem đó là khu vực thiếu kỹ năng, thiếu thông tin và năng suất lao động thấp, nên cần hạn chế phát triển. Cách suy nghĩ đúng đắn nhất là phải là xem tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân và của khu vực kinh tế phi chính thức là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Khi tiềm năng tăng trưởng của khu vực kinh tế chính thức ngày càng lớn mạnh thì tự động chúng sẽ hấp thụ lao động và tài nguyên từ khu vực kinh tế phi chính thức chảy vào (thay cho cách suy nghĩ là phá vỡ hay hạn chế tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức).

Kinh tế tư nhân chỉ có thể trở thành động lực mạnh và phát triển bền vững khi chúng ta không bỏ quên khu vực kinh tế phi chính thức. Nếu không làm được như vậy, thì các chủ trương phát triển kinh tế tư nhân sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa trong chặng đường phát triển sắp tới.

Tin bài liên quan