Đẩy mạnh cổ phần hóa: Tránh để doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ

Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày mai (12/4/2016). Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn tới vẫn phải đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, nhưng không nên làm ồ ạt.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Có nhiều đánh giá, nhận định khác nhau về kết quả thực hiện CPH giai đoạn vừa qua. Là một trong những người trực tiếp tham gia tiến trình CPH, ông đánh giá thế nào?

Giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp nhà nước, trong đó, CPH được 478 đơn vị, đạt 95% kế hoạch. Nhìn chung, cơ chế chính sách về sắp xếp, CPH tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng CPH, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, qua đó tạo môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi để triển khai thực hiện. 

Tôi cho rằng, việc sắp xếp, CPH từng bước làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý, quản trị tại doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường sự giám sát của Nhà nước và xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tái cơ cấu, CPH, thoái vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ; tỷ lệ vốn được CPH còn thấp, việc áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại còn chậm; kiểm tra, giám sát nội bộ còn bất cập.

Khoảng 95% số doanh nghiệp nằm trong danh sách CPH đã được chuyển thành công ty cổ phần. Thưa ông, liệu có tự tin đánh giá rằng, kết quả CPH đã thành công?

Nếu chỉ nhìn vào số lượng doanh nghiệp được chuyển đổi sở hữu thì ai cũng tự tin cho rằng, tiến trình tái cơ cấu về cơ bản đạt mục tiêu. Nhưng trên thực tế, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại hầu hết doanh nghiệp được gắn tên công ty cổ phần, nên dù có gọi là công ty cổ phần đi chăng nữa thì về bản chất vẫn là doanh nghiệp nhà nước.

Trong quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ vẫn được coi là doanh nghiệp nhà nước. Nếu căn cứ theo quy định này thì số doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu thực sự hoạt động theo mô hình công ty không nhiều.

Với những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, với tư cách là cổ đông chi phối, Nhà nước vẫn quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kế hoạch, chiến lược, bộ máy nhân sự lãnh đạo của doanh nghiệp, nên đánh giá kết quả CPH thành công là chưa chính xác.

Như vậy mấu chốt của vấn đề là phải đẩy mạnh bán tiếp vốn nhà nước tại công ty cổ phần, song song với việc đẩy mạnh CPH những đơn vị mà Nhà nước không cần đầu tư, thưa ông?

Về lý thuyết thì như vậy, và trong nhiều năm vừa qua, chúng ta cũng đã liên tục “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”, nhưng số vốn nhà nước bán được mới chiếm khoảng 5% trong tổng số hơn 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tôi cho rẳng, muốn bán được vốn nhà nước, không thể làm ào ạt vì thị trường vốn có hạn, nếu doanh nghiệp nào cũng CPH, bán vốn thì số vốn bị rải mành mành. Chưa kể, với những đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ thì có bán cũng chẳng ai mua, mà lại còn pha loãng thị trường, khiến cả những cổ phiếu chất lượng tốt cũng bị “rẻ rúng”.

Từ thực tế này, tại Vinachem, với những doanh nghiệp mà thấy rằng việc CPH không đem lại hiệu quả cho Nhà nước, khả năng bán vốn không cao, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho lùi tiến độ để tập trung CPH, thoái vốn tại những đơn vị hoạt động hiệu quả, việc chuyển đổi sở hữu thay đổi được biện pháp, giải pháp về công tác quản trị doanh nghiệp, tổ chức, bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh.

Tức là, thay vì đặt kế hoạch phải CPH bao nhiêu doanh nghiệp, cần đặt kế hoạch bán được bao nhiêu vốn nhà nước trong giai đoạn tới?

Tôi đã từng tham gia đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế sang học tập kinh chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước thành tư nhân ở Ba Lan. Kiến trúc sư tái cơ cấu doanh nghiệp Ba Lan đã khuyên Việt Nam phải hết sức thận trọng.

Việc cố gắng chuyển đổi ồ ạt doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân bằng biện pháp CPH, thoái vốn mà không có sự kiểm soát chặt chẽ, như Ba Lan đã từng thực hiện, có thể khiến một loạt tài sản nhà nước chuyển vào tay một số tư nhân một cách bất hợp pháp, sau khi phát hiện ra tình trạng mất vốn không có cách nào thu hồi lại được.

Thậm chí, vị này còn cho biết, không ít người nằm trong số những người hô hào bán vốn, CPH một cách vô điều kiện đã sử dụng doanh nghiệp sân sau của mình để thâu tóm doanh nghiệp nhà nước với giá rất rẻ.

Từ những thực tế tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Đông Âu và Ba Lan, tôi cho rằng, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục CPH, bán vốn, nhưng không làm ào ạt, không tạo ra áp lực, sức ép mệnh lệnh hành chính cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải bán vốn, CPH bao nhiêu doanh nghiệp, mà đặt ra kế hoạch phải thoái bao nhiêu phần trăm vốn trong số vốn nhà nước hiện có.

Từ kế hoạch này, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty sẽ lựa chọn những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để thoái vốn theo giá thị trường; với những doanh nghiệp khác thì tiếp tục tái cơ cấu, khi có điều kiện thì CPH, thoái vốn.

Tin bài liên quan