Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2014 ước chỉ 63 triệu tấn, trong khi tổng công suất lên tới 72 triệu tấn

Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2014 ước chỉ 63 triệu tấn, trong khi tổng công suất lên tới 72 triệu tấn

Đầu tư xi măng hết thời được bảo lãnh vay vốn

Cung vượt xa cầu cùng tình trạng nợ đầm đìa của một số dự án xi măng là nguyên nhân khiến các dự án này không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc không chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Tài chính về việc bảo lãnh vay vốn để đầu tư xây dựng Dự án Xi măng Tân Thắng. Công văn trên nêu rõ: “Xi măng đang thừa, Chính phủ không bảo lãnh vay vốn để đầu tư tiếp xi măng”.

Như vậy, Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng (chủ đầu tư Dự án Xi măng Tân Thắng) sẽ phải tự thu xếp nguồn vốn, chứ không thể trông chờ vào kênh Chính phủ bảo lãnh như nhiều dự án đã từng được hưởng trước đây.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng được khởi công xây dựng từ tháng 2/2010, công suất 1,9 triệu tấn/năm, đặt tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có tổng mức đầu tư 3.644 tỷ đồng. Hiện Dự án đã hoàn thành cơ bản hạ tầng, đang chuẩn bị lắp đặt dây chuyền thiết bị, dự kiến đến năm 2016, sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Trước đó (tháng 8/2013), Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng đã tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới, với tổng giá trị hợp đồng 93,3 triệu USD.

Tại thời điểm diễn ra lễ ký kết, ông Nguyễn Cao Điến, Tổng giám đốc Nhà máy Xi măng Tân Thắng vẫn khá lạc quan khi cho rằng, xi măng vẫn là ngành sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp được đầu tư bài bản, công nghệ thiết bị EU, G7 như Dự án Xi măng Tân Thắng.

Việc Chính phủ kiên quyết nói “không” với các dự án xi măng đề nghị được bảo lãnh vay vốn nước ngoài là hoàn toàn hợp lý, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ngành xi măng đang lớn hơn cầu như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, tổng công suất ngành xi măng 72 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ năm 2014 dự kiến đạt 63 triệu tấn. Từ nay đến năm 2016, vẫn còn một số dự án mới đang đầu tư và dự kiến vận hành trong giai đoạn này. Khi đó, công suất ngành xi măng sẽ không còn dừng ở con số 72 triệu tấn.

Được biết, căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2014 khoảng 62-63 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013, trong đó xi măng nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5-14 triệu tấn.

Nhưng việc không tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngoại sản xuất xi măng không chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân cung - cầu hiện tại, mà trong suốt một giai đoạn dài, việc bảo lãnh tín dụng vay vốn nước ngoài đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Nhiều dự án được bảo lãnh vay vốn đều lâm vào cảnh nợ đìa, tổng  vay nợ gấp 4 - 6 lần vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ…, như Xi măng Đồng Bành, Hạ Long, Sông Thao…

Tình cảnh hoạt động cầm chừng, thua lỗ là câu chuyện của nhiều nhà máy xi măng khi bất động sản “đóng băng”, cung vượt cầu, không có khả năng trả nợ.

Dự án Xi măng Sông Thao là một ví dụ. Năm 2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản “cầu cứu” Bộ Tài chính đề nghị xem xét ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả khoản nợ 1,9 triệu EUR và 2,9 triệu USD mà Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vay để đầu tư Dự án Xi măng Sông Thao.

Theo lý giải, việc ứng vốn trả nợ nhằm giúp HUD vượt qua khó khăn, đồng thời bảo đảm uy tín trong thanh toán theo hợp đồng vay vốn với nước ngoài.

Nhà máy Xi măng Sông Thao do Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao thuộc HUD làm chủ đầu tư được xây dựng với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 624 tỷ đồng, còn lại đều là vốn vay, trong đó vay trong nước 641 tỷ đồng. Ngoài khoản vay trong nước, với tư cách là cổ đông lớn nhất, HUD còn vay Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) 8,5 triệu EUR và 13,5 triệu USD để đầu tư Dự án.

Hoạt động từ tháng 3/2010, đến nay, số lỗ lũy kế của Nhà máy Xi măng Sông Thao đã lên tới 306,6 tỷ đồng.

Đánh giá của Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) về tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam cho thấy, vay nợ nhiều, trong đó có vay ngoại tệ dẫn đến chi phí tài chính tăng, cộng với lãi suất cao, biến động tỷ giá lớn trong các năm gần đây, khiến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xi măng càng đi xuống.

Tin bài liên quan