Đầu tàu chấn hưng kinh tế

Đầu tàu chấn hưng kinh tế

(ĐTCK) Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco mấy ngày nay, theo cách gọi của ông, “bị” xuất hiện liên tục trên mặt báo xung quanh đề nghị mà ông gửi tới Bộ Giao thông Vận tải về việc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài vào một số dự án hạ tầng.

Ông chia sẻ rằng, đó mới chỉ là ý tưởng ban đầu của các bên sau khi tham gia phái đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hồng Kông mới đây. Để ý tưởng đó được triển khai, còn vô vàn khó khăn phía trước, cũng không loại trừ việc nhà đầu tư thoái lui khi đã thông tỏ thị trường Việt Nam. Vậy mà rất nhiều bình luận thiếu tích cực, mang tính chất võ đoán đã vội dồn vào phía ông, điều đó khiến ông cảm thấy buồn.

Nhưng những doanh nhân như ông Tiền không cô đơn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt phục vụ người dân và DN. Quyết tâm cải cách đang được hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp ở các Nghị quyết 19/2016, Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ.

Thủ tướng cũng thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện cho DN phát triển, không chỉ trong nước mà còn chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Mong muốn chấn hưng nền kinh tế, trong đó cộng đồng DN Việt Nam đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, làm ra của cải vật chất cho xã hội, là nơi giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động rất rõ ràng và chưa bao giờ được liên tục “tiếp lửa” như thế.

Để có DN mạnh, đủ năng lực đảm trách vai trò đầu tàu của nền kinh tế, hơn lúc nào hết, Chính phủ rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ doanh nhân. Còn nhớ, trước cộng đồng nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng, Thủ tướng đã nhấn mạnh thông điệp coi thành công của các DN, doanh nhân là thành công của Chính phủ, của Nhà nước Việt Nam. Cần làm gì để có đội ngũ doanh nhân giỏi, có đủ năng lực và bản lĩnh dẫn dắt DN hội nhập thành công, cạnh tranh sòng phẳng trên các sân chơi toàn cầu, không chỉ là trăn trở của mỗi DN, doanh nhân, mà là của cả hệ thống chính trị.

Chưa bao giờ doanh nhân, DN được quan tâm đến vậy, nhưng cũng chưa bao giờ người dân và xã hội lại chứng kiến nhiều câu chuyện “kiếm tiền vô trách nhiệm” của DN, doanh nhân nhiều như bây giờ. Không thể đặt lên bàn cân để đánh đổi nguồn thu với môi trường sống của người dân, với những công nghệ thiết bị lạc hậu, biến Việt Nam thành bãi thải của các nước phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng luôn gửi đến cộng đồng doanh nhân thông điệp: “Lời hứa phải đi đôi với việc làm”, trong quá trình đầu tư, phải luôn chú ý đảm bảo yếu tố môi trường và giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống của những vùng đất mà nhà đầu tư đặt chân đến.

Cũng chưa bao giờ phát triển bền vững lại được đề cao như hiện nay. Hội nhập đang mở ra cánh cửa rộng, kết nối thị trường xuyên biên giới cho các DN, doanh nhân thỏa sức đổi mới và sáng tạo, vượt qua những thách thức giới hạn của bản thân để chinh phục những đỉnh cao mới. Song hội nhập cũng đưa đến những yêu cầu bắt buộc của những yếu tố phi kinh tế, những tiêu chuẩn, điều kiện tưởng chừng xa xỉ như quan tâm đến người lao động, đến môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội của mỗi DN…

Thực tế đã chứng minh, những DN quan tâm và đầu tư nghiêm túc cho những vấn đề trên đang ngày càng thành công và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ, bứt phá vượt qua những đối thủ tưởng chừng vô cùng nặng ký.

Nguyên nhân quyết định sự thịnh vượng hay nghèo đói của một quốc gia là thể chế. Chính phủ đã nhận thức rõ điều này và đang hành động để xây dựng thể chế, một nền quản trị nhà nước hiện đại. Bởi vậy, không có lý gì DN, doanh nhân lại đứng ngoài công cuộc thay đổi quan trọng này.

Tin bài liên quan