Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Nhật

Thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, tăng cường tin cậy chính trị và đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế là 3 điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, diễn ra từ ngày 15 đến 18/9/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ 15 đến 18/9/2015

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ 15 đến 18/9/2015

Thực tế cho thấy, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1973), quan hệ hợp tác Việt Nam -  Nhật Bản đã có những bước tiến quan trọng và thực chất. Với việc thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009, sau đó nâng cấp thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2014, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước cũng ngày càng được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa hai nước. Gần đây nhất, đầu tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật.     

Trước đó, tháng 1/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam - chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Các chuyến thăm lẫn nhau này đã đưa quan hệ hai nước không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng, mà còn là những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư cam kết là 37,943 tỷ USD; là đối tác thương mại lớn thứ tư, với thương mại song phương trong năm 2015 có thể lên tới 30 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, với 26,1 tỷ USD tính đến hết năm 2014… Hai bên cũng đã có nhiều chương trình hợp tác quan trọng, điển hình là Chiến lược Công nghiệp hoá trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015, cũng như Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia quá trình xây dựng các liên kết kinh tế khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được cho là sẽ mở ra cơ hội mới để doanh nghiệphai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh.

Từ nền tảng quan hệ vững chắc, Việt Nam và Nhật Bản đang cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, tương trợ lẫn nhau để phát triển bền vững. Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là dấu mốc quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Trên bình diện đa phương, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với các chuyến thăm trước đó của Tổng Bí thư tới Trung Quốc (tháng 4/2015) và tới Mỹ (tháng 7/2015), sẽ góp phần quan trọng, khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ với các nước và các đối tác quan trọng của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả.

Tin bài liên quan