Đại biểu quốc hội ráo riết truy chất lượng, hiệu quả đầu tư

Không phải là câu chuyện mới, nhưng khi một lần nữa câu hỏi về chất lượng, hiệu quả của đầu tư, của nền kinh tế được các đại biểu Quốc hội rốt ráo đặt ra thì đó thực sự là điều rất đáng quan tâm, bởi nếu không, hệ lụy là khó lường.
Hệ số ICOR tuy giảm, nhưng còn cao, từ 5,3 (năm 2010) xuống 5,18 năm 2015. Nghĩa là, qua 4 năm, ICOR chỉ giảm 0,12 - mức cải thiện rất thấp

Hệ số ICOR tuy giảm, nhưng còn cao, từ 5,3 (năm 2010) xuống 5,18 năm 2015. Nghĩa là, qua 4 năm, ICOR chỉ giảm 0,12 - mức cải thiện rất thấp

Chuyện không mới vì nhiều năm gần đây, đặc biệt sau tác động của khủng hoảngkinh tế toàn cầu năm 2008, hiệu quả đầu tư - được đo lường bằng chỉ số ICOR đã khiến dư luận bức xúc. Trong hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự quan ngại do hệ số ICOR tuy giảm, nhưng còn cao, từ 5,3 (năm 2010) xuống 5,18 năm 2015. Nghĩa là, qua 4 năm, ICOR chỉ giảm 0,12 - mức cải thiện rất thấp trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công đang khẩn trương thực hiện.

Điều đáng quan tâm là, ICOR của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực đã chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp. Cụ thể, ICOR của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2014 là 6,92, trong khi của Indonesia là 3,86, Philippines là 4, Lào là 4…

Đành rằng, ICOR của Việt Nam cao bởi đất nước đang trong giai đoạn tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, song ICOR của Việt Nam còn cao hơn Lào và nhất là khi ICOR khu vực kinh tế nhà nước cao gần 1,5 lần so với chỉ số trung bình của toàn nền kinh tế, thì đó thực sự là điều đáng bàn.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả. Đó còn là tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cũng không loại trừ nguyên nhân công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, dẫn tới lãng phí, thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, cũng như cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả, trách nhiệm chưa rõ ràng…

Đầu tư kém hiệu quả không chỉ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế, mà hiệu quả, chất lượng nền kinh tế cũng vì thế khó có thể nâng cao. Nhiều đại biểu Quốc hội đã không khỏi quan ngại khi năng suất, chất lượng của nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được tiến độ đề ra.

Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, vấn đề bức bách đặt ra là phải nâng cao bằng được hiệu quả sử dụng vốn. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, luôn phải đi vay để đầu tư, nợ công có xu hướng gia tăng, sắp chạm ngưỡng an toàn 65% GDP và Chính phủ đang phải đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.

Trong bối cảnh như vậy, nếu hiệu quả đầu tư không được cải thiện, thì hệ lụy đối với nền kinh tế là khó lường. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, vì thế càng được dư luận hết sức quan tâm và cần sớm có câu trả lời thỏa đáng.

Tin bài liên quan