Dây chuyền sản xuất bóng đèn huỳnh quang tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Đức Thanh

Dây chuyền sản xuất bóng đèn huỳnh quang tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Đức Thanh

Đại biểu Quốc hội hiến kế thúc đẩy tăng trưởng 6,7%

Đồng thuận, ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, các đại biểu Quốc hội đã hiến kế và “bốc thuốc” để thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thuận, ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, các đại biểu Quốc hội đã hiến kế để thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thuận với mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Một điểm nhìn thấy khá rõ tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội vào cuối tuần qua, là mặc dù vẫn còn những băn khoăn, lo ngại, song phần lớn các đại biểu đều đồng thuận và ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay - một mức tăng trưởng mà một số quan điểm cho rằng, khó có thể đạt được.

Lý do được đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nhấn mạnh là vì, nếu năm 2017 vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thì có nghĩa hai năm liền không đạt kế hoạch, khiến 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn.

Thậm chí, nhìn xa hơn, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, nếu trong 20 năm từ năm 2016 đến năm 2035 mà nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng 6%/năm, thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Chính phủ cũng xác định không tăng tưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng và cũng xác định, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

“Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới. Tôi đồng thuận và ủng hộ quyết tâm của Chính phủ là phải tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% như kế hoạch đề ra, tạo điều kiện cần thiết để có thể đạt được tốc độ tăng trường từ 6,5-7% cho cả kế hoạch 5 năm 2016 - 2020”, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng bày tỏ quan ngại, nếu tăng trưởng GDP không đạt sẽ gây áp lực đối với các cân đối vĩ mô khác. Chẳng hạn, nợ công đã gần sát ngưỡng an toàn, hiện là 63,7% GDP, bội chi hiện là 5,64% GDP. Tốc độ tăng dư nợ công đã lớn hơn tốc độ tăng trưởng, nên nếu GDP tăng trưởng thấp dẫn đến rủi ro vượt ngưỡng an toàn.

“Bên cạnh chất lượng tăng trưởng, chúng ta có sức ép về tăng trưởng nhanh và liên tục để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trước đây, tốc độ tăng trưởng đạt 8%/năm, 10 năm trở lại đây chỉ đạt trung bình chưa tới 6,5%/năm, tức là xu hướng tăng trưởng chậm lại”, đại biểu Phạm Phú Quốc nói và bày tỏ mối lo ngại rằng, nếu không cẩn trọng, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thu nhập không tăng, năng suất không lên, nghĩa là “già mà vẫn chưa giàu”.

Liên quan đến vấn đề này, khi giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh lý do Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Đó là vì năm 2017 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm.

“Nhu cầu của chúng ta cũng là phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu so với các nước xung quanh trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, tăng trưởng cao cũng là để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, cũng như để duy trì sự ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, như nợ công, bội chi ngân sách, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần ổn định xã hội và ổn định chính trị.

“Chính phủ cũng xác định không tăng tưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng và cũng xác định, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Vì thế, giải pháp căn cơ là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

“Bốc thuốc” để thúc đẩy tăng trưởng

Khi đã đồng thuận, điều quan trọng là làm sao để có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Đánh giá cao Chỉ thị 24/CT-TTg mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đầu tiên là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

“Tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2017 còn chậm. Ước giải ngân đến hết tháng 5/2017 chỉ đạt 25,1% kế hoạch vốn. Vướng mắc ở đâu, nguyên nhân nằm ở chỗ nào, do phân bổ vốn, do thẩm định, hay do thiếu văn bản hướng dẫn, do khâu tổ chức thực hiện..,. thì cần phải làm rõ, có chế tài xử lý và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Lê Công Đỉnh nói và cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Cũng cần quan tâm đến nguồn kiều hối và nên có chính sách ưu đãi với kiều hối không kém gì  FDI. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cập nhật vào tháng 6/2017, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 là 13,2 tỷ USD, chưa kể kiều hối phi chính thức - bằng khoảng 1/4 lượng kiều hối chính thức”, đại biểu Lê Công Đỉnh nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Lê Thu Hà, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cần tăng tổng cầu của nền kinh tế, bằng tăng thêm khoảng 2% dư nợ tín dụng, kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân. “Mức tăng tín dụng 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ, bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi.

Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5%, cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng, không đáng lo ngại”, đại biểu Lê Thu Hà nói.

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, khi giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh các giải pháp bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn mà Chính phủ đề ra, như tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế cũng như tăng năng suất lao động, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư…

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề cập việc Chính phủ đã quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Một số đại biểu lo ngại, nhưng tôi khẳng định rằng, quyết định này là tốt cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, quyết định này được đưa ra sau khi xem xét khả năng khai thác thực tế, cũng như trước diễn biến giá dầu phục hồi tốt.

“Cái này hoàn toàn tốt cho nền kinh tế, chứ không đến nỗi là khai thác quá mức hay làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Xin báo cáo để các đại biểu Quốc hội an tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chia sẻ góc nhìn với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng cho rằng, việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để kích thích tăng trưởng là “cần thiết” trong tình hình hiện nay.

"Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn"

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả những nguồn lực đã có trong tay. Đó là đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn, hiện nay giải ngân còn chậm.

Nếu nguyên nhân tồn tại là do cơ chế, chính sách thì đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi khơi thông. Nếu nguyên nhân do con người thì phải xử lý nghiêm, đồng thời xử lý cương quyết với các chủ đầu tư, chủ thầu không thực hiện đúng tiến độ và chất lượng công trình.

Giảm thiểu tối đa công trình chậm tiến độ, đội vốn khủng và gây nhiều thiệt hại khác về kinh tế - xã hội và nhiều hệ lụy khác. Tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu được Quốc hội thông qua. Nếu trong năm nay chúng ta chỉ cần thu được 10% của 600.000 tỷ đồng, thì sẽ có thêm nguồn vốn lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Tập trung xử lý nợ xấu các dự án thua lỗ"

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh)

Để đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Và điều quan trọng là phải xử lý được mối quan hệ giữa các yếu tố ngắn và dài hạn.

Hiện nay, việc xử lý các công việc ở tầm ngắn hạn phải nằm trong kế hoạch tổng thể về cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế, chất lượng quản trị quốc gia hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Như vậy, cần tập trung xử lý nợ xấu các dự án thua lỗ, chấn chỉnh đầu tư công, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thay đổi cách thức sử dụng nguồn vốn, đất đai phù hợp với cơ chế thị trường.

Đây là bộ phận “bệnh tật” cần được chữa trị triệt để hơn, nếu không đây sẽ là yếu tố làm suy giảm tăng trưởng cả trong ngắn và dài hạn, suy giảm chất lượng quản trị quốc gia. Đồng thời, phải biến khó khăn thành động lực cải cách mạnh mẽ, không lùi bước cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế.

Tin bài liên quan