Đại biểu Phạm Quang Dũng: 500 tỷ USD tài sản công, khai thác hiệu quả 1/3 sẽ tạo cú hích

Cho rằng trong khi nhiều nước còn không biết "sờ" vào chỗ nào để có nguồn lực chống đỡ khó khăn thì Việt Nam có tới 500 tỷ USD vẫn đang nằm trong khu vực Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng đánh giá, để khai thác được vấn đề là "có làm hay không làm" còn "làm thì đơn giản".

Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 2/11, doanh nhân Phạm Quang Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho hay, trong thời gian vừa qua, kinh tế Việt Nam vẫn được cho là đang tăng trưởng dựa trên đầu tư, trong đó, nguồn lực đầu tư lại chủ yếu là nhờ vào việc đi vay (vay ODA, phát hành trái phiếu...).

Theo vị doanh nhân này, với phương thức tăng trưởng như trên thì chất lượng tăng trưởng không bền vững, làm cho năng suất lao động cũng như thu nhập của người dân không cao lên được, đó là vấn đề. Nhà nước cũng nhận ra rằng cần phải tái cơ cấu.

Đại biểu Phạm Quang Dũng: 500 tỷ USD tài sản công, khai thác hiệu quả 1/3 sẽ tạo cú hích ảnh 1

 Chủ tịch Tasco Phạm Quang Dũng, đại biểu tỉnh Nam Định (ảnh: Hoàng Long)

"Nhưng câu chuyện đầu tiên là nguồn lực ở đâu? Nhiều người nói chúng ta chưa nhìn đâu ra nguồn lực, nhưng tôi thấy nguồn lực của chúng ta còn rất nhiều, dư địa phát triển của chúng ta còn rất nhiều, vấn đề chúng ta có khai thác được không và có làm được, phát huy được không?", ông Dũng phát biểu.

Theo đại biểu Dũng, trong khi nhiều nước còn không biết "sờ" vào chỗ nào để có nguồn lực chống đỡ khó khăn thì Việt Nam "dư địa còn nhiều", mà cụ thể ở đây là nguồn vốn của Nhà nước (tức là tài sản của dân) nằm ở doanh nghiệp nhà nước không phải ít.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, một khối lượng còn nhiều hơn nữa mà lâu nay chúng ta ít nhìn đến và gần như không tập trung quản lý nó, xem nó phát triển như thế nào đó là tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công.

"500 tỷ USD này nếu chúng ta biết cách khai thác và chỉ cần phân bổ lại trong kỳ chiến lược đến 2020 khoảng 1/3 hay một nửa thôi thì hiệu quả kích thích là một cú hích rất tốt cho tăng trưởng."

"Hai nguồn tài sản này cộng vào theo nhiều chuyên gia tính toán bây giờ khoảng 500 tỷ USD. 500 tỷ USD này nếu chúng ta biết cách khai thác và chỉ cần phân bổ lại trong kỳ chiến lược đến 2020 khoảng 1/3 hay một nửa thôi thì hiệu quả kích thích là một cú hích rất tốt cho tăng trưởng", Chủ tịch Tasco hiến kế. Đồng thời cho rằng, nếu làm tốt việc này thì kế hoạch tăng trưởng thậm chí còn vượt cả kỳ vọng, không phải dưới hay đạt được kỳ vọng như mục tiêu đưa ra.

Theo vị đại biểu này, vấn đề vẫn nằm ở chỗ "có làm hay không làm" còn "làm thì đơn giản". Tương tự, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước, có phải khó không? "Khó hay không là ở chúng ta", ông Dũng nói. Vị đại biểu khẳng định chắc chắn rằng những mục tiêu trên đều sẽ làm được và hiện thực hóa được nhưng đến nay vẫn chỉ là "hô chung chung".

"Phần lớn nói tăng cường thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, không thấy có một mục tiêu nào cụ thể", đại biểu Nam Định nhận xét và cho rằng, Quốc hội phải đưa ra kế hoạch cụ thể năm 2017, 2018, 2019 thoái vốn với giá trị là bao nhiêu, tránh vừa qua báo cáo thành tích cổ phần hóa số lượng thì hoàn thành tốt nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ bán được 2%, 3%.

"Người ta (doanh nghiệp) không muốn cổ phần hóa thì người ta đưa ra đủ các loại tiêu chí, không thể bán được", ông nói.

Ngoài ra, vị đại biểu cũng đưa ra nhận xét, một quốc gia phát triển thì phải có một nền văn hóa của quốc gia đó. Theo đó, nếu vẫn còn tình trạng không thượng tôn pháp luật, vi phạm pháp luật tràn lan, một văn hóa làm ăn chụp giật và lừa đảo của hàng loạt doanh nghiệp thì không thể có một quốc gia phát triển.

Song để xây dựng được một nền văn hóa làm ăn theo pháp luật, ông Dũng cho rằng, không phải một sớm một chiều mà là một quá trình dài hạn, xuất phát từ việc tập trung xây dựng văn hóa kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp.

Tin bài liên quan