Dự báo, kinh tế Việt Nam tới năm 2030 sẽ có những bước phát triển rất nhanh

Dự báo, kinh tế Việt Nam tới năm 2030 sẽ có những bước phát triển rất nhanh

Đặc khu kinh tế xây nền tảng tốt để hút vốn đầu tư

(ĐTCK) Việt Nam đang có nhiều cơ hội và nền tảng tốt để phát triển mạnh đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như một mô hình thể nghiệm mới và có thể tạo ra những bước tiến đột phá.

Tại hội thảo “Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” do Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 3/11, đại diện hãng tư vấn Price Water House Coppers (PwC) Malaysia cho biết, Malaysia thành lập 2 đặc khu kinh tế vào năm 2006 và đặt mục tiêu thu hút được khoảng 120 tỷ Ringit vào năm 2020.

Tuy nhiên, với những chính sách vượt trội và mạnh dạn thu hút đầu tư, cho đến nay, 2 đặc khu này đã thu hút được trên 102 tỷ Ringit, đóng góp lớn cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là phát triển kinh tế của quốc gia.

“Triển vọng hiện nay của Việt Nam tươi sáng hơn, dự báo tới năm 2030 sẽ có những bước phát triển rất nhanh, thậm chí có thể cạnh tranh ngang ngửa với Malaysia và nhiều nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực, đặc biệt là các đặc khu kinh tế với hệ thống và chính sách phát triển đột phá, sáng tạo và khác biệt”, đại diện PwC Malaysia nhận định.

Tuy nhiên, Việt Nam không được tự mãn với triển vọng dự báo này, bởi đang có nhiều quốc gia mới nổi như Myanmar, Indonesia, một số nước châu Phi, với các mô hình đặc khu kinh tế hấp dẫn, rất có thể sẽ vượt lên cạnh tranh để thu hút mạnh dòng vốn trên toàn cầu đang tìm nơi trú ngụ.

“Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam đã tạo ra một nền tảng tốt, có các điều kiện tương đương và thậm chí còn cao hơn một số đặc khu hiện hành trong khu vực, song đây mới chỉ là trên lý thuyết. Vấn đề là cần thực thi và hiện thực hóa lý thuyết này trong thực tiễn thế nào để đạt được kết quả và cần tiếp tục bổ sung theo tình hình và bối cảnh mới”, đại diện PwC Malaysia nói.

Chuyên gia Marcin Milosz, Công ty TNHH Tư vấn Boston cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn để xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mang tính đột phá, có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế tốt hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế nghiên cứu những đặc khu trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, ông Milosz khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược và cơ sở hạ tầng phù hợp, có hệ thống thể chế rõ ràng. Khung khổ pháp lý cần thông thoáng để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời, thực hiện chính sách một cửa hiệu quả và quảng bá hình ảnh các đặc khu để thu hút nhà đầu tư chiến lược.

The ông Milosz, đặc khu kinh tế trước hết phải gia tăng giá trị cho đất nước và địa bàn sở tại, đặc biệt bắt kịp xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, với định hướng phát triển mạnh về công nghệ, coi đây đây là yếu tố đột phá.

Thứ hai là có sự hợp tác phối hợp cả trong nội địa và nước ngoài, vận hành theo hướng mở đối với các đặc khu và theo các chuẩn mực quốc tế, sát cánh với các nhà đầu tư tư nhân để thường xuyên có sự thay đổi tốt hơn. Thứ ba là không chỉ duy trì giá trị vốn đầu tư sinh sôi, mà còn bảo tồn được giá trị kinh doanh.

“Đây là các giá trị cốt lõi mà tất cả các tập đoàn lớn đều quan tâm. Đầu tư vào các đặc khu đa phần đều là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, nên cần ý thức, có cải cách, biến đổi, đổi mới về quy phạm pháp luật, khung pháp lý để 10 - 20 năm nữa, các giá trị vẫn được bảo tồn, phát triển”, ông Milosz nhấn mạnh.

Đặc biệt, để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế với mô hình phát triển hiện đại và hấp dẫn, các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh, cần đạt được 3 tiêu chí chủ chốt, đó là: Khung khổ pháp lý và chất lượng thể chế; sự năng động, mềm dẻo, linh hoạt và tính hồi ứng cao; tác động lan tỏa tới tất cả các đối tượng thụ hưởng để toàn dân được hưởng lợi, chứ không chỉ riêng các nhà đầu tư.

Trong đó, khung khổ pháp lý và chất lượng thể chế là nền tảng quan trọng nhất để phát triển các đặc khu siêu hạng. Quan trọng hơn, các tiêu chí này cần phải đảm bảo xuyên suốt, nhất quán, nhưng linh hoạt, bổ sung, điều chỉnh tùy theo giai đoạn, chứ không máy móc, cứng nhắc.

“Thành công trong phát triển các đặc khu kinh tế là một chặng marathon lâu dài, không ngừng nghỉ, chứ không phải là một cuộc đua tiếp sức, nơi mà chỉ có sự thực thi, năng động, mềm dẻo, linh hoạt mới có thể chiến thắng”, đại diện PwC Malaysia ví von.

Nhiều chuyên gia đề xuất, nên trao quyền mạnh hơn cho người đứng đầu đặc khu để họ có không gian sáng tạo, thay vì bị bó buộc bởi các quy trình, nhất là mối lo hình sự hóa quan hệ kinh tế có thể ảnh hưởng tới việc ra quyết định một cách kịp thời.

Đặc khu kinh tế xây nền tảng tốt để hút vốn đầu tư ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải có tính vượt trội, không chỉ so với trong nước, mà vượt trội so với quốc tế, có khả năng cạnh tranh và đột phá. Đặc biệt, cần có chính sách xem xét miễn trừ trách nhiệm với người đứng đầu, nếu không, lãnh đạo đặc khu sẽ không dám làm vì vướng quy định pháp luật.

Để môi trường đầu tư kinh doanh tại các đặc khu kinh tế thông thoáng, ngoài việc giảm số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ban soạn thảo Luật đề xuất giảm các loại giấy phép như giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư PPP. Trên thế giới, không có nước nào có các giấy phép này như Việt Nam, chúng tôi đang đề xuất bỏ hết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, vẫn còn nhiều lo ngại, vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu đất đai, chính sách huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Các chính sách về thuế mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa thấy có đột phá thực sự trong thu hút nguồn lực. Điều này đặt ra một loạt vấn đề cần quan tâm trong xây dựng Luật như cần có môi trường chính sách hấp dẫn thế nào để thu hút nguồn lực; ngân sách hỗ trợ ban đầu thế nào để xây dựng phát triển đặc khu; chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối, xuất nhập cảnh... cần thuận lợi ra sao để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các nhà đầu tư.

Đặc khu kinh tế xây nền tảng tốt để hút vốn đầu tư ảnh 2

GS Đặng Hùng Võ 

Nhà nước khi thu hồi đất của dân cần đấu giá theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, cần lưu ý 2 điểm trong chính sách về đặc khu kinh tế của Việt Nam, gồm cơ chế thế chấp và quy định đấu giá đất thu hồi.

Chúng ta cho phép người Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa cho phép người nước ngoài có quyền sử dụng đất được quyền thế chấp, vay vốn tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Như thế là chính sách chưa bình đẳng, đồng đều. Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế, nhưng không phải tất cả giảm là tốt. Nhà đầu tư sử dụng đất phải trả tiền, nếu sử dụng đất không mất tiền thì mất khả năng cạnh tranh, sử dụng đất không hiệu quả. Liên quan đến thủ tục hành chính, Việt Nam cần mạnh dạn áp dụng thủ tục hành chính một cửa điện tử nhằm tạo ra bước tiến đột phá.

Đặc khu kinh tế xây nền tảng tốt để hút vốn đầu tư ảnh 3

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) 

Xây dựng cơ chế cho đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế. Lấy ví dụ, Trung Quốc xây dựng đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công. Hiện nay, nước này xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

Không chỉ Trung Quốc, mà nhiều nước khác đã phát triển mô hình đặc khu kinh tế này trong nhiều năm qua vẫn đang tiếp tục thí điểm cơ chế mới, nên chúng ta không thể né các cơ chế mở. Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ, nhưng ở mức có thể kiểm soát.

Tôi có cảm tưởng, chúng ta vẫn còn ôm đồm về chính sách, chưa xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế, từ đó ảnh hưởng đến xây dựng chính sách và quy hoạch.

Tin bài liên quan