Đặc khu kinh tế: Sự thể nghiệm đột phá mô hình tăng trưởng mới cho đất nước

Đặc khu kinh tế: Sự thể nghiệm đột phá mô hình tăng trưởng mới cho đất nước

(ĐTCK) "Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một luật lớn, được thiết kế nhằm tạo ra sự khác biệt trong thể chế và có thể được coi như một thí nghiệm về sự cải cách đột phá thể chế theo hướng hoàn toàn khác biệt mà nếu thành công sẽ có thể mang lại những động lực tăng trưởng mới, tạo biến chuyển tích cực to lớn cho đất nước trong thời gian tới".

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đã chia sẻ như vậy tại cuộc trao đổi, cung cấp thêm thông tin về Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đây.

Thể nghiệm để tìm ra mô hình tăng trưởng mới 

Ông Phúc cho biết, ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 21-TB/TW về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và đồng ý chủ trương xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trên cơ sở các nghiên cứu kinh nghiệm và mô hình thực tiễn từ các nước trong khu vưc và trên thế giới, Chính phủ đã chọn 3 khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những khu kinh tế đặc biệt với những chính sách và cơ chế đặc biệt để phát triển.

Kết quả nghiên cứu và phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu được thành lập và quản lý với mô hình hiệu quả, 3 đặc khu kinh tế có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người lên đến 12.000 USD - 13.000 USD/năm (tương đương 230 - 250 triệu đồng).

Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp.

Các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong đó, riêng đặc khu Vân Đồn có thể mang lại khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất đóng góp cho ngân sách hàng năm.

Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, còn Phú Quốc sẽ đóng góp khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, hiện nay, nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh việc thành lập 3 đặc khu và nhất là mô hình cơ chế phát triển đặc khu thế nào để đạt được những mục tiêu kỳ vọng là mang lại sự đột phá lớn về phát triển kinh tế tại 3 đặc khu, từ đó tạo tác động lan tỏa tới toàn khu vực và trên cả nước.

Đặc biệt quan trọng hơn nữa là trên cơ sở sự thể nghiệm về mô hình thể chế và phát triển đột phá tại 3 đặc khu có thể tìm ra được một mô hình mới hoàn toàn khác biệt và hiệu quả, có thể mang lại sự đột phá về thế chế cho đất nước.  

“Vấn đề được đặt ra hiện nay là thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của 3 khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong hiện nay ra sao? Liệu khi chúng ta có Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo bệ phóng cho 3 đặc khu kinh tế phát triển mạnh mẽ, mang tính “đột phá” như kỳ vọng? 3 đặc khu này có tạo ra cơ hội gì lớn cho phát triển kinh tế đất nước hay không? có sự tác động lan tỏa của cả nước hay không? Và hơn nữa có cần cơ chế đặc biệt nào cho đặc khu nào, cơ chế giám sát ra sao cũng như những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi triển khai mô hình đặc khu kinh tế…”, ông Phúc nêu ra hàng loạt câu hỏi.

Nhìn nhận lại những kết quả của việc hình thành và phát triển của các khu kinh tế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nay, Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập…

Đặc khu kinh tế: Sự thể nghiệm đột phá mô hình tăng trưởng mới cho đất nước ảnh 1

 Phú Quốc nhìn từ trên cao (Ảnh: internet)

Về thu hút đầu tư, các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động; đồng thời, khi triển khai các dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng tạo điều kiện để quản lý tốt hơn về môi trường và công nghệ.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn một số hạn chế như ít có sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, thể chế đặt ra cho các khu khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối.

“Việt Nam hiện đã có nhiều khu kinh tế nhưng các đặc khu kinh tế vẫn chưa thực sự được triển khai áp dụng đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư.

Để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá.

Để làm được điều đó, chúng ta phải tìm mô hình phù hợp với Việt Nam, rút ra các bài học thành công và thất bại của các nước trên thế giới và quan trọng nhất là công cuộc thể chế hóa bộ máy quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, gia tăng được lợi ích cho các nhà đầu tư và tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế”, ông Phúc khẳng định.

Đột phá về thể chế

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu Luật được thông qua và triển khai áp dụng trong thực tiễn, sẽ có thể mang lại những đột phá mà bây giờ ta có thể chưa hình dung hết được.

“Với những đột phá về thể chế theo hướng trao quyền phân cấp mạnh cho bộ máy thiết chế trưởng đơn vị hành chính đặc biệt cùng các kênh giám sát chặt chẽ, hiệu quả, các đặc khu sẽ phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực và  điều kiện thuận lợi để hấp dẫn, thu hút được nhiều nhân tài về đóng góp phát triển cho đặc khu, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả lao động ở mức tối đa, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nhờ các điều kiện thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục hành chính”, ông Đông chia sẻ.

Đặc khu kinh tế: Sự thể nghiệm đột phá mô hình tăng trưởng mới cho đất nước ảnh 2

Ông Đông cho biết, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng trên quan điểm thiết kế các chính sách về kinh tế - xã hội dành cho các đặc khu có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn với các cơ chế vượt trội hơn so với bất cứ một mô hình cơ chế đặc thù hiện hành nào tại Việt Nam.

Thậm chí, xét ở cả 9 tiêu chí về ưu đãi, môi trường kinh doanh, giải quyết tranh chấp, phát triển cơ sở hạ tầng, ngoại hối, xuất nhập cảnh, thời gian thuế suất miễn giảm…, những cơ chế, chính sách về kinh tế xã hội, tổ chức chính quyền và công tác tư pháp được Việt Nam thiết kế xây dựng trong Dự thảo Luật đã cao hơn, hiện đại hơn một số đặc khu của Trung Quốc, hoặc mở cửa thị trường ở mức tương tự hoặc cao hơn so với một số đặc khu kinh tế của nhiều nước có trình độ phát triển mạnh hơn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore…

Dự thảo Luật đề xuất áp dụng mức độ mở cửa thị trường tại các đặc khu kinh tế với mức cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như nhà đầu tư trong nước trong các ngành nghề cần thu hút đầu tư.

Nhiều cơ chế chưa từng được áp dụng như có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; rút ngắn các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực hiện trung tâm hành chính một cửa, đột phá mới về tổ chức bộ máy, không dựa vào trách nhiệm tập thể mà đề cao trách nhiệm cá nhân; công tác tư pháp hoàn toàn mới với vai trò của tòa án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh…

Đặc biệt, Dự thảo Luật hướng tới mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở…

"Mặc dù vậy. các ưu đãi cao nhất chỉ tập trung ở một số ngành lĩnh vực dự án gắn với lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư quy định tại phụ lục áp dụng riêng cho từng đặc khu. Dự án bình thường vào đây được áp dụng cơ chế dành cho khu ven biển hiện hành, do đó sẽ đảm bảo không có chuyện ưu đãi vượt khung, ưu đãi tràn làn không hiệu quả", ông Đông nhấn mạnh.

Tin bài liên quan