Ông Kang Youn Lee

Ông Kang Youn Lee

Công nghiệp phụ trợ cần chính sách ở tầm Chính phủ

Đó là nhận định của ông Kang Youn Lee, Phó giám đốc phụ trách kế hoạch Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) trong chuyến thăm một số doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vào đầu tuần này.

Ông đánh giá thế nào về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam sau khi thăm một số doanh nghiệp?

Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và cũng chưa thăm được nhiều doanh nghiệp. Tại miền Bắc, chúng tôi mới đi thăm được 4 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp tư nhân, do đó chưa nắm được nhiều về nền công nghiệp của Việt Nam.

Trong chương trình công tác, đoàn chúng tôi (Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp Hàn Quốc) sẽ đi thăm các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và TP.HCM, sau đó sẽ có đánh giá tổng quan hơn. Tuy nhiên, với những gì đã chứng kiến, tôi rất ngạc nhiên là tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với tưởng tượng trước đó.

Các kỹ sư Việt Nam rất thông minh. Khi đến thăm Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các kỹ sư sử dụng thành thạo phần mềm thiết kế. Điều này rất tốt cho việc tiếp cận các công nghệ làm khuôn sau này.

Tại các doanh nghiệp nhà nước mà tôi đã tới thăm, điều cảm nhận được là các nhà máy lớn và có sự quản lý tốt. Mặc dù kỹ thuật của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, nhưng đã có định hướng phát triển rõ ràng, đó là nền tảng tốt cho việc phát triển trong tương lai.

Đâu là những điểm mấu chốt cần có để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, thưa ông?

Tôi thấy rằng, Chính phủ Việt Nam đang có ý chí mãnh liệt để thay đổi. Muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cần có chính sách ở tầm Chính phủ, bao gồm cả luật để phát triển toàn ngành. Tới đây, với sự hợp tác của hai Chính phủ, tôi rất mong muốn Hàn Quốc đào tạo phát triển kỹ sư cho Việt Nam trong sử dụng phần mềm.

Ví dụ tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, các thiết bị sử dụng để tạo khuôn chưa phải là tốt nhất, các chương trình còn thiếu một số tính năng đặc biệt. Để tạo các khuôn nhỏ có độ chính xác cực cao, cần đầu tư các loại máy tốt hơn. Hiện tại, Hàn Quốc đã sản xuất được các loại máy này và có chất lượng không thua kém Nhật Bản và Đức, với giá cả rẻ hơn.

Quan trọng hơn, chúng tôi muốn cùng nghiên cứu, sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn, bởi máy tốt chưa chắc đã làm ra sản phẩm tốt. Quá trình tư vấn, phân tích là khâu quan trọng góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã thành công nhờ đi lên từ mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mọi khởi đầu đều khó khăn, thậm chí có thể thất bại, nhưng điều quan trọng là phải kiên nhẫn và có hướng đi lâu dài.

Mới đây, Bộ Công thương đã công bố Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Vậy doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội này?

Doanh nghiệp tư nhân duy nhất mà tôi đến thăm tại Bắc Giang đã cho biết kế hoạch đầu tư sản xuất phụ kiện ô tô trong vài năm tới. Mặc dù đây chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, đang sản xuất các chi tiết phục vụ sản xuất, lắp ráp xe máy, nhưng tôi cho rằng, đó là một hướng đi đúng.

Trước mắt, các chi tiết ô tô sản xuất ở Việt Nam chưa phải là những chi tiết đòi hỏi sự chính xác quá cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất được. Để sản xuất phụ tùng ô tô không quá tinh xảo, chỉ cần một máy CNC (một loại máy gia công kim loại) cùng sự hỗ trợ của một vài chuyên gia là hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, để chuyên gia nhiệt tình hướng dẫn và chuyển giao toàn bộ công nghệ lại là vấn đề khó. Chưa kể, muốn đảm bảo đầu ra và đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo cả chất lượng và số lượng sản phẩm.

Với thực tế và tiềm năng như vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác lâu dài với doanh nghiệp Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm mà chúng tôi có được sau nhiều năm phát triển nền công nghiệp phụ trợ.

Tin bài liên quan