Có tới 34% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thủ tục thuế

(ĐTCK) Có tới 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn tồn tại hiện tượng phải trả chi phí không chính thức trong thủ tục thuế, tăng 2% so với kết quả khảo sát năm 2014.
Có tới 34% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thủ tục thuế

Đây là kết quả khảo sát các doanh nghiệp về sự hài lòng với ngành thuế năm 2016 do Tổng cục Thuế và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vừa được công bố.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, có tới 55,4% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục thuế trong khi chỉ hơn 8% doanh nghiệp đánh giá thủ tục thuế đơn giản, dễ thực hiện; 47% cho rằng, cán bộ thuế hướng dẫn chưa rõ ràng, khó hiểu, sai quy trình. 

Đặc biệt, có tới 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn tồn tại hiện tượng phải trả chi phí không chính thức, tăng 2% so với kết quả khảo sát năm 2014.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, những con số này cho thấy cơ quan Thuế vẫn còn nhiều không gian cần cải cách.

Các khuyến nghị được báo cáo đưa ra cho những cải cách về thuế dựa trên kết quả khảo sát năm nay để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa. Ngay cả với thuế điện tử, một phương thức mới, hiện đại, vẫn không ít doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn.

Ví dụ, đường truyền số liệu hay tắc nghẽn, việc cập nhật của cơ quan Thuế về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp chưa kịp thời, hệ thống kê khai thuế chưa ổn định, và cả những vấn đề liên quan tới những đơn vị khác có liên quan như ngân hàng, kho bạc… 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế cũng cần được tiêp tục cải thiện. Cần tránh trùng lặp về nội dung, niên độ, cách hiểu văn bản pháp luật thuế của cán bộ thuế bất lợi cho doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp đề nghị cơ quan Thuế khi kiểm tra, thanh tra thuế doanh nghiệp cần đúng chức trách, giúp doanh nghiệp tìm ra những sai sót và hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa, chứ không phải cố tìm ra lỗi sai để xử phạt.

Cần chú ý có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật thuế. Họ không có nhiều nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản như doanh nghiệp vừa và lớn.   

Ngoài ra, cần chú ý có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật thuế. Họ không có nhiều nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản như doanh nghiệp vừa và lớn. 

Qua đó, báo cáo nêu đề xuất của các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần đưa ra các quy định đơn giản thiết thực, dễ hiểu phù hợp với nhóm đối tượng này. Cần xây dựng chế độ kế toán và thủ tục hành chính thuế phù hợp với đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ.

Đặc biệt, báo cáo khuyến nghị cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức. Theo đó, cần tập trung vào những khâu, lĩnh vực có nguy cơ cao, như khảo sát đã chỉ ra như kiểm tra thuế, thanh tra thuế và kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, mặc dù là chủ đề nhạy cảm, nhưng cuộc điều tra lần này đã thu hút gần 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tham gia trả lời khảo sát.

Tin bài liên quan