Cỗ máy kinh tế vẫn phụ thuộc “động cơ ngoại nhập”

Cỗ máy kinh tế vẫn phụ thuộc “động cơ ngoại nhập”

(ĐTCK) “Trong thời điểm hiện nay, đứng dưới góc độ kinh tế, chúng ta đang phải trả giá cho những sai lầm trong các chính sách về đầu tư công, đầu tư không đúng mục đích… trước đó. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng có quyền hy vọng những thay đổi về chính sách, về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ tạo ra những thay đổi cho nền kinh tế trong tương lai”, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhận định tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2014 vừa diễn ra tại TP. HCM.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2014 được xem là năm khởi sắc hơn của nền kinh tế với những dự báo khả quan. Tuy nhiên, một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với bộn bề khó khăn chưa giải quyết được, thua lỗ kéo dài và có dấu hiệu phá sản. Đây có thể coi là hệ quả tất yếu của những quyết định đầu tư tăng trưởng nóng trong những năm 2006 - 2008.

 “Cỗ máy tăng trưởng của chúng ta dù có bốn động cơ nhưng hiện tại chỉ có một động cơ hoạt động tốt”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nói và phân tích cụ thể, trong bốn động cơ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế là khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước, khu vực nông nghiệp - hộ gia đình cá thể, khu vực doanh nghiệp FDI, hiện nay chỉ có khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp đều đang gặp trục trặc. Những doanh nghiệp FDI có kết quả tốt chủ yếu nhờ các đơn vị này thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội tại của Việt Nam.

Theo ông Thành, năm 2014 nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng có những yếu tố chưa bền vững như tăng cường khai thác dầu thô và than để bán, đồng thời khởi động lại các dự án đầu tư công với tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI.

“Kết quả một khảo sát của chúng tôi với các ngân hàng cho thấy rằng, mức độ sợ rủi ro của hệ thống ngân hàng liên tục tăng lên trong thời gian qua. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang ở trong tình trạng dư tiền nhưng không cho vay được, vì họ chỉ muốn cho vay những doanh nghiệp có hệ số an toàn. Nghịch lý ở chỗ những doanh nghiệp này thì không có nhu cầu vay vốn, còn doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại bị ngân hàng xếp vào loại rủi ro sẽ có nợ xấu”, ông Thành nói và cho biết, vì sợ nợ xấu nên các ngân hàng giải quyết số tiền chênh lệch giữa huy động và cho vay bằng cách mua trái phiếu chính phủ.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, rủi ro khủng hoảng đã không còn và tình hình kinh tế vĩ mô đã được cải thiện (lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, Việt Nam cũng được nâng hạng tín nhiệm vay nợ quốc gia..). Tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế chưa thể cao, vì đầu tư và tín dụng vẫn tăng yếu dù lãi suất đã giảm và đầu tư công đã tái khởi động lại. Trong ngắn hạn, vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính.

“Dù những cải cách sâu rộng vẫn khó khăn nhưng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chắc chắn vẫn tiếp tục được thúc đẩy, ngoài ra việc các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh và hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại TPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU hy vọng sẽ là những điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam 2015”, ông Thành nói.

Đối với tình hình tăng trưởng trong ngắn hạn của các nền kinh tế ở châu Á, báo cáo mới nhất của IMF cho thấy, màu xanh vẫn phủ khắp châu Á, tiềm năng tăng trưởng của khu vực này vẫn được đánh giá rất cao so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, các nền kinh tế châu Á đang ngày càng phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài, Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Ví dụ rõ nhất về sự phụ thuộc này là khi  Fed tuyên bố giảm mua trái phiếu dài hạn của các nền kinh tế châu Á khiến dòng vốn đổi chiều và sự tăng trưởng của các nền kinh tế này cũng đi xuống trong quý I/2014 và chỉ đi lên từ quý II và III/2014”, một chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn nhìn nhận.

Tăng trưởng nhờ tăng đầu tư, tăng bơm tiền ra thị trường cũng là vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. “Đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối trong vấn đề tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó, năng suất và chất lượng góp tỷ lệ rất thấp”, ông Thành nhận định.

Tin bài liên quan