Cơ chế bán vốn vênh nhau, doanh nghiệp như… “gà mắc tóc”

Cơ chế bán vốn vênh nhau, doanh nghiệp như… “gà mắc tóc”

(ĐTCK) Doanh nghiệp đang lúng túng trong triển khai thoái vốn nhà nước do quy định về vấn đề này có nhiều điểm “vênh” nhau. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này, tiến độ thoái vốn nhà nước sẽ còn chậm.

Mới đây, Tổng công ty Khoáng sản - TKV (Vimico) công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị Vimico về phương án thoái vốn tại CTCP Gang thép Lào Cai. Theo đó, Vimico muốn bán trọn lô 13,455 triệu cổ phần (tương đương hơn 99% vốn điều lệ) Gang thép Lào Cai, với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP.

Hội đồng quản trị của Vimico chốt hình thức bán cổ phần là đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) theo Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ về bán cổ phần theo lô. Trường hợp HNX không nhận tổ chức bán đấu giá, Vimico sẽ đề xuất Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho phép bán qua công ty chứng khoán.

Việc Vimico đưa phương án “dự phòng” sẽ bán vốn qua công ty chứng khoán trong trường hợp HNX từ chối tổ chức bán đấu giá khá… lạ.

"Từ sự lạ trên, chúng tôi tìm hiểu thì phát hiện ra những bất cập, mâu thuẫn về cơ chế, chính sách khiến cả doanh nghiệp bán vốn lẫn tổ chức tư vấn đều gặp khó…”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay.

Cụ thể, theo vị tổng giám đốc này, phạm vi điều chỉnh của Quyết định 41/2015 là một số nội dung về thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM do các bộ, công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ là đại diện chủ sở hữu... Vimico, đơn vị thành viên có 100% vốn của TKV rõ ràng thuộc đối tượng được bán cổ phần theo lô tại Quyết định 41/2015.  

Trên thực tế, để doanh nghiệp được bán cổ phần theo lô qua HNX và Sở GDCK TP. HCM (HOSE), thì phải có sự đồng thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Theo quy định tại Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đối với công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc thực hiện chuyển nhượng vốn phải theo phương thức: đấu giá công khai, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô.

Có nghĩa là, doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành bán đấu giá cổ phần công khai trước, nếu ế mới được bán theo lô. Trong khi đó, Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ lại cho phép doanh nghiệp được bán theo lô, mà không đặt ra yêu cầu phải đấu giá công khai trước. Từ mâu thuẫn này, cơ quan quản lý cho rằng hiệu lực pháp lý của nghị định cao hơn quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên không thể tổ chức cho doanh nghiệp bán cổ phần theo lô trước khi bán công khai.

Quay trở lại trường hợp Vimico, ý kiến từ phía nhà tư vấn là công ty chứng khoán cho rằng, vì doanh nghiệp lường trước nguy cơ sẽ bị HNX từ chối tổ chức bán đấu giá cổ phần theo lô do khó nhận được sự chấp thuận của UBCK, nên mới có thêm phương án: đề xuất TKV cho phép bán qua công ty chứng khoán trong trường hợp HNX không nhận tổ chức bán đấu giá.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của công ty chứng khoán, phương án này không khả thi vì Nghị định 91/2015 còn có quy định, khi chuyển nhượng vốn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp phải thực hiện tại sở giao dịch chứng khoán; trường hợp chuyển nhượng phần vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng thì có thể thuê tổ chức tài chính trung gian (CTCK - PV) bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán… Trong khi đó, phần vốn mà Vimico đăng ký bán có giá khởi điểm là hơn 134,5 tỷ đồng.

“Từ tình huống của Vimico, có thể thấy, Nghị định 91/2015 đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải đấu giá công khai trước, nếu không thành công, mới chào bán cạnh tranh thông qua đấu giá bán cổ phần theo lô… đang bộc lộ sự thiếu hợp lý”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói.

Trên thị trường nói chung, thường người có hàng sẽ ưu tiên bán sỉ (tương tự như bán cổ phần theo lô) hơn là bán lẻ, nhất là khi bán sỉ được giá. Thế nhưng, quy định bán vốn nhà nước hiện hành dường như đang đi ngược lại quy luật này, khi ưu tiên chào bán ra đại chúng trước, nếu ế mới bán trọn lô.

Vẫn biết cơ chế này là nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động bán vốn, nhưng với mục tiêu của việc thoái vốn là thu được giá trị cao nhất cho Nhà nước, mấu chốt quan trọng nhất trong thoái vốn nhà nước phải là định giá doanh nghiệp thật minh bạch, chuẩn xác. Việc chọn cách bán đấu giá theo lô khi ấy vừa đảm bảo tính công bằng, minh bạch, vừa đảm bảo tính cạnh tranh về giá để tối ưu lợi ích cho nhà nước; đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong triển khai bán vốn theo các cơ chế mở tại Quyết định 41/2015. 

Tin bài liên quan