Chuyển giá diễn biến ngày càng phức tạp

Chuyển giá diễn biến ngày càng phức tạp

(ĐTCK) Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp  FDI, nay đã xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tại Hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” do Deloitte Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổ chức mới đây, thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2012 - 2016, mức tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp FDI hầu hết đều duy trì ở mức cao trên 20%.

Riêng trong năm 2016, doanh thu của khối doanh nghiệp FDI tăng 21,7% so với năm 2015. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh thu đều cao hơn tốc độ tăng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của chủ sở hữu cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi.

Một số lĩnh vực có hiệu quả sản xuất - kinh doanh rất cao như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; công nghiệp lâm nghiệp thủy sản. Dù vậy, tình trạng doanh nghiệp thua lỗ năm 2016 chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ và lỗ mất vốn năm 2016 giảm so với số liệu của năm 2015, nhưng vẫn cao hơn các năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61%, cao hơn giai đoạn 2012 - 2015.

Từ năm 2012 – 2016, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh ngiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Đáng nói là, bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn giảm thuế. Ở một số ngành có ưu đãi lớn thì doanh nghiệp trong ngành báo lãi rất lớn, ví dụ viễn thông, phần mềm có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trước thuế đạt 30%.

Cùng với đó là hiện tượng chuyển giá nội bộ giữa các đơn vị FDI có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi khác nhau.

Nói về hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thanh tra, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp FDI lớn kinh doanh chân chính, vẫn còn những doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ trong một thời gian rất dài và đóng góp vào ngân sách nhà nước kém hiệu quả.

“Hoạt động chuyển giá để trốn thuế là có tồn tại, được thực hiện qua nhiều hình thức rất phức tạp qua các giao dịch liên kết và đây là vấn đề khó khăn cho ngành thuế”, bà Lan Anh nói.

Để xử lý những trường hợp này, cơ quan thanh tra đã kiểm tra, đối chiếu các số liệu của doanh nghiệp với thực tế để loại bỏ chi phí không hợp lý, giảm số lỗ mà các doanh nghiệp này khai báo.

Bà Lan Anh cho biết, trong hai năm 2015 - 2016, ngành thuế đã kiểm tra hai công ty FDI kinh doanh trong ngành bán lẻ có thương hiệu lớn, lỗ liên tục trong thời gian dài, thậm chí lỗ dưới vốn đầu tư, từ đó đã truy thu cho Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng.  

Trong khi đó, nói về vấn đề chuyển giá, ông Thomas McClelland, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, Chủ nhiệm Tiểu ban Thuế của Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, chuyển giá là một phần không thể tách rời của thương mại quốc tế và do đó, không thể tránh được các vấn đề liên quan đến giá chuyển nhượng. Tuy vậy, tại Việt Nam, từ này lại phần nhiều mang ý nghĩa tiêu cực về vấn đề trốn thuế.

“Nói đến chuyển giá không chỉ là nói đến tỷ suất lợi nhuận và phân tích, so sánh mà còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và cần chú trọng đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp, thay vì lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định để thực hiện việc thanh kiểm tra”, đại diện Deloitte nói.

Ông Thomas McClelland cũng cho rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam nên được “quốc tế hóa”, trong đó bao gồm việc ký kết nhiều hơn các thỏa thuận song phương với các nước về thuế. Mặc dù các khuyến nghị trong Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD đã được bổ sung vào các quy định nhưng chưa có cơ chế áp dụng rõ ràng. Nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận thì sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư.

Tin bài liên quan