Chủ tịch Fuji Xerox: “Đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc“

Lãnh đạo hãng sản xuất máy in hàng đầu thế giới cho biết môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có nhiều lợi điểm hơn Trung Quốc nên đây sẽ là cứ điểm sản xuất cung ứng cho thị trường toàn cầu trong tương lai.
Chủ tịch Fuji Xerox cho biết phải mất 16 tháng công ty mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.

Chủ tịch Fuji Xerox cho biết phải mất 16 tháng công ty mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.

Sau chuyến khảo sát nhà máy tại Hải Phòng, ông Tadahito Yamamoto - Chủ tịch và Trưởng đại diện Fuji Xerox nhận định cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 đang mở ra nhiều cơ hội, song doanh nghiệp cũng cần tăng tỷ lệ nội địa hóa để tiết giảm chi phí.

Trong chiến lược kinh doanh, Fuji Xerox đặt mục tiêu đưa nhà máy tại Hải Phòng trở thành trung tâm sản xuất cho thị trường thế giới. Lý do gì dẫn đến quyết định này?

Châu Á - Thái Bình Dương đang được đánh giá là khu vực kinh tế phát triển năng động trên thế giới, đặc biệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Theo kế hoạch kinh doanh 2015-2016, chúng tôi đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh thu tại hải ngoại từ 50% hiện nay lên 60%. Với tầm quan trọng đó, Fuji Xerox quyết định đưa nhà máy tại Hải Phòng trở thành trung tâm mạnh nhất, sản xuất cho thị trường toàn thế giới, là cầu nối gắn kết thị trường các nước trong khu vực.

Tập đoàn cũng đặt nhà máy tại Thượng Hải và Thâm Quyến với mục tiêu biến đây trở thành trung tâm sản xuất, phát triển. Vậy mục tiêu của Fuji Xerox với nhà máy tại Hải Phòng sẽ khác các đơn vị này như thế nào?

Chúng tôi rất tôn trọng thị trường Trung Quốc, bởi cả thị trường này và ASEAN đều đang tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp lớn vào chiến lược tăng doanh thu thêm 10% từ hải ngoại. Tuy nhiên, hiện nhà máy tại Trung Quốc đã đạt công suất tối đa và dần bão hòa.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm nhà máy tại Thượng Hải và Thâm Quyến đi vào hoạt động, đến nay những ưu đãi mà chính phủ Trung Quốc dành cho chúng tôi đã đến thời điểm kết thúc. Mà Việt Nam lại đang tích cực thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao, là một doanh nghiệp, chúng tôi thấy điều này rất hấp dẫn.

Lương công nhân và chi phí hoạt động tại Trung Quốc cũng đang tăng rất nhanh, khiến chúng tôi chúng tôi phải tính toán. Ở điểm này, Việt Nam cũng có lợi thế hơn.

Ngoài ra, Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN, một thị trường khổng lồ và đang tăng trưởng nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng tại Hải Phòng cũng đáp ứng yêu cầu của chúng tôi, với các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, công nhân ngày càng siêng năng...

Chúng tôi vẫn cần thị trường Trung Quốc, nhà máy tại đó. Nhưng các nhà máy này sẽ nghiêng về phục vụ thị trường nội địa, còn Việt Nam dành cho cho thị trường ASEAN và thế giới.

Khi xây dựng nhà máy tại Hải Phòng, Xerox từng đặt mục tiêu nội địa hóa. Sau khi hoạt động hơn một năm, tỷ lệ này hiện là bao nhiêu, thưa ông?

Khi bắt đầu xây dựng, chúng tôi dự kiến tỷ lệ nội địa hóa phải là 50%. Tuy nhiên, đến bây giờ tỷ lệ này mới đạt được, nghĩa là đã mất 16 tháng và chúng tôi vẫn phải nhập 50% còn lại từ nước ngoài. Điều này khiến chi phí của Fuji Xerox bị đội lên rất nhiều. Do vậy, trong chiến lược sắp tới, ưu tiên số một của công ty là tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 90%. Nếu không nỗ lực, chắc chắn chúng tôi sẽ mất thị trường.

Ông đánh giá như thế nào về các nhà cung cấp Việt Nam?

Hiện nay chúng tôi chưa có nhà cung cấp nào là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, chủ yếu họ là những vệ tinh của doanh nghiệp Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Quả thực, bản thân chúng tôi không muốn mất nhiều thời gian như vậy, nhưng tìm được những đối tác cung cấp phù hợp ở đây không dễ. Chúng tôi cũng khá khó tính trong vấn đề này, liên quan đến những tiêu chí như giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng.

Để cung cấp những sản phẩm có độ tinh vi cao, đối tác Việt Nam cần có thời gian để nghiên cứu đầu tư, nâng cao năng lực. Nếu họ thỏa mãn những yêu cầu này, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, nhưng cũng hiểu là cần phải có thời gian chứ không thể sốt ruột.

Trong quá trình hoạt động của mình, chúng tôi cũng từng gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp bản địa tại thị trường Trung Quốc. Thời gian đầu, công việc này rất vất vả, thậm chí chúng tôi phải mời những doanh nghiệp Nhật Bản khác sang làm cùng, giờ thì khá hơn nhiều rồi nhưng chúng tôi cũng mất khoảng 5 năm.

Fuji Xerox là thành viên của tập đoàn Xerox, hiện có nhà máy, văn phòng ở 12 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài Nhật Bản. Nhà máy Fuji Xerox tại Hải Phòng được khánh thành tháng 11/2013 với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, nằm trên diện tích gần 18ha tại khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng. Công suất nhà máyước đạt 2 triệu sản phẩm mộtnăm, bao gồm các các thiết bị in màu đa năng, máy in LED, các linh kiện chính trong các thiết bị in ấn, máy photocopy,..
Tin bài liên quan