Chớp thời cơ từ cách mạng công nghiệp 4.0

Chớp thời cơ từ cách mạng công nghiệp 4.0

Hơn 4 thập kỷ trước, bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam đã thống nhất giang sơn, bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, để giờ đây trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, là bạn bè, là đối tác tin cậy của thế giới. Nhưng khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ , câu hỏi vị thế của Việt Nam đang và sẽ ở đâu, lại được đặt ra.

Rất nhiều điều tự hào về hành trình 42 năm phát triển của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng thách thức tụt hậu cũng đang hiện hữu, trong bối cảnh thế giới thay đổi từng ngày, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang biến đổi toàn nhân loại.

Giờ là lúc người ta nói đến những nền tảng mới, như Big Data, Internet of Things, đến trí thông minh nhân tạo, đến số hóa mọi “ngõ ngách” của cuộc sống... Nói đến kinh tế chia sẻ, khiến một Uber không hề có bất cứ hạ tầng phương tiện giao thông nào nhưng sau 8 năm phát triển đã được định giá tới 68 tỷ USD, làm thay đổi cả thế giới.

Nói đến ô tô không người lái, đến hàng chục tỷ thiết bị được kết nối…

Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này, bởi đứng ngoài có nghĩa là lạc hậu, là thụt lùi. Thậm chí, Việt Nam - như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT đã nói - lần đầu tiên đang đứng trước một cuộc cách mạng, mà nếu chúng ta không làm gì thì có nghĩa người Việt Nam già mà vẫn còn nghèo. Vào cuộc cách mạng này, dù thách thức, nhưng sẽ tạo sự phồn vinh, phát triển cùng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, dù vẫn đang ở trong cả ba cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba, nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển. Chỉ cần cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá.

Đã đến lúc, các doanh nghiệp nói riêng, toàn nền kinh tế nói chung phải nhanh chóng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh và năng suất vượt trội, tăng cường chất lượng để mở rộng thị phần, thị trường.

Đã đến lúc không thể chỉ tăng trưởng dựa vào vốn và tài nguyên, mà phải bằng khoa học - công nghệ, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng - bài toán mà lâu nay được đặt ra, nhưng chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Cơ hội là rất lớn, không phải vì giờ đây, các quốc gia đang cùng tham gia cuộc cách mạng, mà còn bởi ở Việt Nam, mỗi người dân đều đang rất náo nức với cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ cũng luôn nhấn mạnh quan điểm rằng, phải làm sao để Việt Nam không bỏ lỡ “con tàu công nghiệp 4.0”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến nhanh như vũ bão. Không nên vội vã làm điều gì bất thường, nhưng cũng không nên quá chủ quan làm ngơ, phải có phương cách để làm sao để chớp được thời cơ mới.

Cách đây hơn 40 năm, ngày 7/4/1975, toàn bộ cánh quân của ta tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nhận được bức điện khẩn do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần toàn quân vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến. Bức điện đó đã đi vào lịch sử và sẽ còn mãi với thời gian, trở thành “mật lệnh” của nghệ thuật chớp thời cơ.

Đó cũng là bài học còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, khi Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - một cuộc cách mạng mà theo cách dùng từ của nhiều chuyên gia là “long trời, lở đất”. Chỉ khi biết chớp thời cơ, thần tốc và quyết thắng, Việt Nam mới có thể tận dụng được các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, để vượt lên phía trước, xây dựng một quốc gia thịnh vượng.

Tin bài liên quan