Cách thức tránh thuế phổ biến nhất được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng là mở chi nhánh tại thiên đường thuế

Cách thức tránh thuế phổ biến nhất được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng là mở chi nhánh tại thiên đường thuế

Chống gian lận thuế, bắt đầu từ tập đoàn lớn

(ĐTCK) Oxfam vừa công bố một loạt các báo cáo nghiên cứu về hệ thống thuế toàn cầu, theo đó, 100 tỷ USD là con số mà các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, đang bị thất thu hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, theo Oxfam, là do tồn tại những lỗ hổng trong pháp luật thuế hiện hành, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thông qua hình thức chuyển giá hoặc gian lận thuế.

“Do đó, chúng tôi muốn các báo cáo này chỉ ra những lỗ hổng trong pháp luật thuế hiện tại đang gây ra bất công về thuế. Các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm đóng đủ phần thuế tại nơi đang hoạt động kinh doanh để hoàn trả trách nhiệm về môi trường, đất đai và các nguồn lực công khác mà doanh nghiệp sử dụng”, ông Francis Weygiz, Cố vấn cao cấp về thuế, Oxfam nhấn mạnh.

Cách thức trốn, tránh thuế phổ biến nhất được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng là mở các chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế - khu vực mà về mặt pháp lý mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc được miễn hoàn toàn.

“90% công ty lớn nhất trên thế giới đang mở chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế. Bằng cách này, mức thuế suất của 50 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ phải đóng chỉ là 25,9%, thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật của nước này. Đó là bất bình đẳng về thuế giữa các loại hình doanh nghiệp”, ông Weygiz dẫn chứng các số liệu và cho rằng, Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ khi là một trong những địa chỉ thu hút đầu tư rất hấp dẫn trong thời gian qua.

Chống gian lận thuế, bắt đầu từ tập đoàn lớn ảnh 1

Theo khuyến cáo của Oxfam, để lấp các lỗ hổng trong chính sách thuế, bên cạnh việc rà soát và tập trung tất cả các chính sách ưu đãi thuế nhằm tránh trùng lặp, dàn trải, manh mún, Chính phủ cần yêu cầu tất cả các tập đoàn đa quốc gia công bố báo cáo liên quốc gia với thông tin riêng cho từng quốc gia mà tập đoàn có hoạt động.

“Các tiêu chí khai báo trong báo cáo phải cung cấp được bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh tế của tập đoàn, đồng thời phải công khai các yếu tố chính của thỏa thuận giữa các cơ quan thuế và công ty đa quốc gia”, báo cáo của Oxfam khuyến nghị.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm Hướng tới minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch quốc gia tại Việt Nam cho rằng, có mối tương đồng mật thiết giữa tham nhũng và lợi dụng các lỗ hổng trong chính sách ưu đãi thuế để trốn tránh các nghĩa vụ tài chính và hậu quả chung là làm nghèo quốc gia và suy yếu thể chế. Một trong các biểu hiện rõ nhất của tình trạng này chính sự thiếu minh bạch trong các thông tin công bố công khai của doanh nghiệp và tập đoàn theo quy định của pháp luật.

Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do tổ chức này công bố gần đây cho thấy, việc công khai thông tin của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, bao gồm các khu vực nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một dấu hiệu cho thấy, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn chưa chú trọng đề cao và thực hành tính minh bạch trong các vấn đề được đánh giá.

“Các đánh giá về cơ chế báo cáo theo quốc gia có điểm trung bình là 0%, là kết quả thấp nhất trong 3 khía cạnh được đánh giá. Không có công ty nào trong 14 công ty được đánh giá thực hiện công bố các thông tin tài chính cơ bản về hoạt động ở nước ngoài. Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp công khai loại thông tin này.

Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao sự minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp rất yếu, khiến việc giám sát hoạt động, hiệu quả, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp không được đầy đủ”, bà Viễn bình luận. 

Đặc biệt, tính minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp được bà Viễn hết sức lưu ý, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp việc giám sát được hiệu quả. Các doanh nghiệp lớn là một mạng lưới phức tạp, bao gồm các thực thể liên quan đến nhau (công ty con, chi nhánh hoặc công ty liên doanh) được kiểm soát bởi các công ty mẹ.

Nếu doanh nghiệp cố tình không tiết lộ thông tin về cấu trúc mạng lưới cũng như tỷ lệ sở hữu, sẽ rất khó xác định được các thực thể này và hiểu về mối liên hệ giữa chúng. Đặc biệt khi chủ sở hữu cố ý tạo ra một cấu trúc doanh nghiệp không rõ ràng để che giấu số tiền thu được từ tham nhũng.

Do đó, việc thông tin được công khai sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên, vừa hỗ trợ cơ quan chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng gian lận thuế như thiên đường thuế hoặc rửa tiền, vừa cho thấy cam kết của doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn minh bạch. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có được sự tin tưởng và nâng cao danh tiếng với nhà đầu tư và các bên liên quan khác.

Tin bài liên quan