Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25.

Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25.

Chọn “cuộc chơi” kinh tế số để tăng trưởng chất lượng hơn

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và đầu tư, điều cần thiết là phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số, xóa bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới.

Ưu tiên được đánh giá cao

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau khi kết thúc Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá, Việt Nam đã đưa ra một ưu tiên rất quan trọng tại Hội nghị APEC 2017, đó là kinh tế số.

“Ở Nga, chúng tôi rất quan tâm đến kinh tế số theo các khía cạnh khác nhau cũng như các biểu hiện của nó và chúng tôi đang xem xét các vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ. Tôi cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam đề cao chính xác chủ đề kinh tế số, bởi các nền kinh tế thành viên không chỉ nên thảo luận một số vấn đề, mà còn phải cùng nhau giải quyết”, Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Putin lấy ví dụ, có các thảo luận về doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trên thực tế, loại hình doanh nghiệp này có thể được tích hợp trong hệ thống tổng thể, trong chuỗi hoạt động chung của nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế thông tin.

“Vậy thì cần phải làm gì để đạt được điều đó? Nga đã có những đề xuất cụ thể trong lĩnh vực này. Đề xuất có liên quan đến việc định nghĩa rất rõ về hệ thống khái niệm, như kinh tế số là gì, thương mại số là gì… Có vẻ như điều này rất đơn giản, nhưng thực tế lại đòi hỏi phải phân tích cẩn thận”, Tổng thống Putin nói thêm.

Một ví dụ khác, theo Tổng thống Putin, phải hiểu về những hệ quả xã hội phát sinh từ việc áp dụng các công nghệ mới. Một số người nói rằng, nó rất nguy hiểm và đáng sợ bởi lấy đi nhiều việc làm, dẫn đến dư thừa lao động, trong khi các biện pháp giải quyết lại chưa rõ ràng.

“Song những người khác lại nhận định, điều này không phải là vấn đề, bởi chúng ta chỉ cần đào tạo lại lao động. Tuy nhiên, việc này phải được các chuyên gia đánh giá. Tất cả những điều đó nằm trong một chủ đề thảo luận của chúng tôi”, ông Putin cho biết.

Công nghệ số - thế giới phẳng

Tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, cùng nhiều nhà hoạch định chính sách đã thảo luận các vấn đề tạo việc làm mới, tăng cường kết nối và tự do hóa thương mại trong kỷ nguyên số.

Trong cuộc trò chuyện với một số lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại Hội nghị, CEO của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, thông qua các công nghệ số mới, doanh nghiệp của bà muốn trở thành hãng hàng không tiêu dùng.

Rồi bà quay sang hỏi Phó chủ tịch Walmart: “Walmart có sẵn sàng cung cấp hàng cho hàng triệu khách hàng Vietjet với yêu cầu logistics khác nhau không? Trong năm 2018, Vietjet Air dự kiến vận chuyển 20 triệu lượt hành khách.

Chúng tôi muốn tiếp cận hàng hóa của Walmart để cung cấp cho khách hàng của mình, để họ có thể mua sản phẩm của Walmart trên hệ thống Vietjet”.

Đáp lời bà Thảo, ông Price cho biết: “Walmart sẵn sàng phát triển hệ thống này, không chỉ cho khách hàng của Vietjet, mà còn cho khách của các hãng hàng không khác”.

Theo ông Price, việc đầu tư trực tuyến, bán hàng xuyên quốc gia có thể đạt doanh số hàng ngàn tỷ USD trong nhiều năm tới. “Ở Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng. Đó chính là cơ hội tạo việc làm mới”, ông nói.

Tại Ngày hội Doanh nhân 2017 tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm (cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản).

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ dự báo đạt khoảng 20%/năm và khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

Khái niệm “hàng không tiêu dùng” trong kết nối thương mại của Vietjet chỉ là một trong số nhiều ý tưởng mới về công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bao trùm thế giới được đề cập tại APEC CEO Summit.

Bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao New Zealand đã gây ấn tượng mạnh khi cho rằng, sức mạnh của công nghệ làm thay đổi hoàn toàn thế giới. Trên thực tế, chúng ta đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

“Tôi thấy rằng, những khái niệm xuất xứ quốc gia đang dần bị xóa nhòa bởi mỗi nền kinh tế hiện cũng chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà thôi… Chúng ta đang thảo luận nhiều chủ đề mới, bao gồm cả việc thế giới đang gỡ bỏ những ranh giới và rào cản thương mại như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Freeland nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nathan Blecharczyk, nhà sáng lập và Giám đốc chiến lược của Công ty Airbnb (Mỹ) nhận định, cuộc cách mạng công nghệ số đang ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, thậm chí là mỗi doanh nghiệp đều có thể khai thác lợi ích từ quá trình này.

“Việt Nam đang chứng kiến một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ. Các bạn trẻ Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ số. Trò chơi Flappy Bird của kỹ sư trẻ Nguyễn Hà Đông là một ví dụ”, ông Blecharczyk nói.

Chìa khóa của kinh tế số

Theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư hiệu quả, điều cần thiết là phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu, thông tin qua biên giới trên khắp khu vực.

Đây được cho là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC về đầu tư cho công nghệ thông tin - truyền thông và tiềm năng tương lai cho thấy, sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế đi tiên phong và các nền kinh tế đi sau là do chênh lệch về năng lực cạnh tranh.

Để ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật số, các nền kinh tế APEC cần tạo ra môi trường pháp lý xoá bỏ rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quả và an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước.

Ngoài kết nối Internet và kỹ thuật số, sự kết nối giữa con người với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động trong khu vực cũng cần được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng.

Cộng đồng doanh nghiệp APEC ngày càng quan ngại về sự thiếu hụt và sự không tương thích kỹ năng của người lao động, vốn đang có xu hướng gia tăng do sự thay đổi mạnh mẽ về nhân khẩu.

Trong khi đó, bà Chrystia Freeland nhấn mạnh đến giáo dục như cách thức chính để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và xây dựng nền kinh tế số. “Chính phủ các nước phải chú trọng giáo dục và đào tạo. Giáo dục sẽ giúp mỗi cá nhân thích nghi với thay đổi, kể cả công nghệ hay bất cứ thách thức nào. Giáo dục là nền tảng để công nghệ tiến xa và công nghệ sẽ đưa chúng ta gần nhau hơn. Thế giới sẽ phẳng hơn”.

Bà Freeland lấy ví dụ, để tạo động lực phát triển, Singapore có chương trình đào tạo lại cho người lao động. “Tôi tin rằng, để có một tương lai phát triển của khu vực trong 25 năm tới, thì ngay từ bây giờ, phải có các chương trình đào tạo các công cụ tiếp cận việc làm, đào tạo cách đối phó với khủng hoảng, tìm ra các động lực phát triển”.

Đồng quan điểm, ông Lộc bày tỏ niềm tin vững chắc rằng, toàn cầu hóa được tích hợp Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng, mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số của chúng ta.

“Và APEC CEO Summit 2017 sẽ đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan