Theo định hướng của Chính phủ, EVN sẽ chỉ đứng ra mua điện theo giá thị trường và truyền tải, phân phối điện

Theo định hướng của Chính phủ, EVN sẽ chỉ đứng ra mua điện theo giá thị trường và truyền tải, phân phối điện

Chính phủ thúc cổ phần hóa ngành điện

(ĐTCK) Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền tải điện, còn lại sẽ cổ phần hóa các nhà máy phát điện không có vai trò trọng yếu, cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát điện để giảm gánh nặng đầu tư và nợ công cho nhà nước.

Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị sắp xếp doanh nghiệp nhà nước mới đây khi nói về việc cổ phần hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ vốn trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, còn lại sẽ đẩy mạnh thoái vốn ở những đơn vị Nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát điện, ngoại trừ một số nhà máy thủy điện lớn có vai trò quan trọng trong an ninh - quốc phòng như Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Tại các nhà máy thủy điện còn lại, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thậm chí có thể bán lại cho tư nhân khai thác và vận hành để thu hồi vốn, hạn chế đầu tư vốn nhà nước vào xây dựng nhà máy thủy điện, nhằm giảm gánh nặng nợ công.

EVN sẽ chỉ đứng ra mua điện theo giá thị trường và truyền tải, phân phối điện theo đúng vai trò và chức năng trong định hướng xây dựng và vận hành đầy đủ thị trường phát điện cạnh tranh tới đây. 

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh EVN đang gặp nhiều khó khăn trong việc cổ phần hóa và áp lực nặng nề từ diễn biến tỷ giá.

Với những khoản vay có giá trị rất lớn bằng ngoại tệ của các tổng công ty phát điện thành viên để đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện, câu chuyện thua lỗ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng của EVN do chênh lệch tỷ giá đang ngày càng trầm trọng hơn khi diễn biến tỷ giá ngày càng khó lường với các tác động lớn từ những thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Thừa nhận có sự chậm trễ trong cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, Chủ tịch EVN Dương Văn Thành cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa EVN hiện nay liên quan tới những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Các tổng công ty phát điện (genco) của EVN mới chỉ được thành lập từ đầu năm 2013, năng lực tài chính có hạn, có nhiều khoản nợ đầu tư lớn, kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí có khả năng thua lỗ, nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

“Trong điều kiện thị trường đang hạn chế về nguồn lực hiện nay, việc đưa ra cổ phần hóa các doanh nghiệp có năng lực tài chính không tốt sẽ rất khó”, Chủ tịch EVN thừa nhận.

Để tháo gỡ vướng mắc cho quá trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên của EVN, ông Thành đề xuất sửa đổi một số quy định hiện hành để EVN có thể bán bớt cổ phần tại các doanh nghiệp Tập đoàn sở hữu chi phối.

Bên cạnh đó, một khó khăn lớn khác trong quá trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên của EVN, ông Thành phản ánh, chính là khó chọn tư vấn định giá để hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược (khó tìm nhà đầu tư chiến lược trong nước do quy mô của các genco lớn-PV). Ông Thành cho biết, hiện nay, 3 genco đang gặp nhiều khó khăn trong cổ phần hóa do không lựa chọn được đơn vị tư vấn nước ngoài phù hợp vì quy định hạn chế chi phí tư vấn. Vì vậy, EVN phải lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước cho Genco 3 và Genco 1. 

Theo ông Thành, do trần chi phí thuê tư vấn cổ phần hóa bị khống chế, nên EVN không mời được nhà tư vấn nước ngoài. Khi mời thầu tư vấn cổ phần hóa Genco 1 và 3, EVN phải chọn nhà tư vấn trong nước. Ông Thành kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để các công ty lựa chọn được đơn vị tư vấn định giá hợp lý, gỡ khó cho quá trình cổ phần hóa. 

Theo lộ trình cổ phần hóa của EVN từ nay đến năm 2020, Tập đoàn đang thuê tư vấn việc cổ phần hóa Genco 2, dự kiến sẽ cổ phần hóa trong năm 2018. Cơ bản trong thời gian này sẽ cổ phần hóa các công ty phát điện.

Sau khi cổ phần hóa 2 năm, có thể xem xét tách khỏi Tập đoàn, mực tiêu đến năm 2020 chỉ còn giữ lại các nhóm công ty, nhà máy thủy điện đa mục tiêu và công ty truyền tải điện quốc gia, đồng thời tái cấu trúc lại toàn bộ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn theo Quyết định 63 của Chính phủ về thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Cũng theo mục tiêu này, lĩnh vực truyền tải điện vẫn giữ 100% vốn nhà nước, tách dịch vụ kinh doanh phân phối điện ra khỏi vận hành, theo đó tách bán lẻ điện đảm bảo theo hướng cạnh tranh. Như vậy, việc cung cấp dịch vụ và bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ tới đây sẽ theo hướng cạnh tranh trên thị trường.

Tin bài liên quan