Chi phí không chính thức vẫn bám riết doanh nghiệp

Chi phí không chính thức vẫn bám riết doanh nghiệp

(ĐTCK) Một vấn đề đáng chú ý tại Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố là các loại chi phí không chính thức không những chưa giảm, mà còn có xu hướng tăng lên so với giai đoạn trước, tạo gánh nặng và áp lực đáng kể cho doanh nghiệp. 
 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, kết quả điều tra PCI cho thấy, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.

“Năm 2016, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, tăng đáng kể so với mức 50% năm 2013. Bên cạnh đó, khoảng 9% - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu, cao hơn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước đó”, ông Tuấn dẫn kết quả điều tra.

Kết quả điều tra doanh nghiệp khu vực FDI tại Báo cáo PCI 2016 chỉ ra rằng, dù tình trạng chi phí không chính thức có xu hướng giảm, nhưng đi kèm với đó là tình trạng kết quả giải quyết công việc trở nên khó đoán biết hơn. Theo đó, chưa tới một nửa số doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức tin rằng, công việc được giải quyết theo như mong muốn.    

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ phản ánh của doanh nghiệp cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục vẫn phổ biến. Dù các chỉ tiêu này có phần cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013 - 2014 xuống còn 58% năm 2016), nhưng vẫn cao hơn so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006 - 2012).

Riêng đối với điều tra khối doanh nghiệp FDI, tình trạng tham nhũng theo cảm nhận của nhóm này năm 2016 có xu hướng giảm.

Trước thực trạng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc chi phí bôi trơn giảm đối với khu vực FDI, nhưng chưa có thay đổi tích cực đối với doanh nghiệp trong nước thể hiện hai vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, các địa phương có thể có sự ưu ái hơn đối với doanh nghiệp FDI. Thứ hai, hiện tượng “quà cáp” và bỏ chi phí bôi trơn đã trở thành hành vi mang tính thói quen nhằm xây dựng quan hệ tốt với cơ quan quản lý nhà nước của cộng đồng doanh nghiệp nội địa.

Ông Lộc khuyến nghị cần khắc phục hiện tượng trên một cách cơ bản thông qua việc xây dựng chuẩn mực kinh doanh liêm chính từ cộng đồng doanh nghiệp.

“Khi Chính phủ chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính vì dân, thì doanh nghiệp cũng cần hành động kinh doanh liêm chính. Phải có sự song hành của cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chính quyền mới giải quyết được tận gốc tình trạng phí bôi trơn và chi phí không chính thức”, ông Lộc nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề cốt lõi là ở hiệu quả của công việc và tính minh bạch của các loại chi phí.

“Phần lớn doanh nghiệp đều nhận thức rằng, tại bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là ở khu vực đang phát triển, đều tồn tại các chi phí không chính thức. Vấn đề quan trọng là thái độ phục vụ của công chức trong thực hiện các thủ tục hành chính và hiệu quả, chất lượng thực tế của công việc”, ông Quốc Anh nhận định. Người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cho biết thêm, nhiều công ty sẵn sàng chấp nhận việc cơ quan công quyền tăng phí dịch vụ so với mức phí niêm yết hiện hành, song cần đảm bảo công khai, minh bạch và thuận lợi, thông suốt trong công việc.  

Tin bài liên quan