Luôn thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của các doanh nhân, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ những thông điệp ấn tượng trong cuộc nói chuyện với các đối tác của Báo Đầu tư về cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam 2015

Luôn thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của các doanh nhân, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ những thông điệp ấn tượng trong cuộc nói chuyện với các đối tác của Báo Đầu tư về cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam 2015

Chậm “tăng điểm” minh bạch, Việt Nam sẽ tụt hậu xa

(ĐTCK) Tại nhiều diễn đàn hay trong các cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các nhà quản lý, cộng đồng DN trong và ngoài nước, có một điều hay được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trăn trở, nhắc đến là yếu tố minh bạch trong nền kinh tế đang còn những hạn chế đáng ngại, nên cần quan tâm khắc phục tình trạng này.

Đừng để luật pháp “hiểu thế nào cũng được”

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận, nếu không cải thiện yếu tố minh bạch trong nền kinh tế, Việt Nam sẽ tụt hậu xa so với các nước trong cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm cải cách môi trường kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của các DN và nền kinh tế.

Cùng với thiếu môi trường nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo; tình trạng tham nhũng, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, kém minh bạch, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đang là hạn chế đáng ngại. Tình trạng này thể hiện qua hệ thống luật pháp còn thiếu minh bạch, chưa rõ ràng.

“Đọc thông tư, luật, thì DN, người dân phải hiểu cần làm gì, chứ hiện nay, có những quy định hiểu thế nào cũng được, hoặc không hiểu. Để thay đổi hiện trạng này là cả một quá trình cực kỳ khó khăn, gian khổ, bởi không gì khó bằng đổi mới, chiến thắng chính bản thân mình, nhất là trước những cám dỗ…”, Bộ trưởng trăn trở và chia sẻ thêm, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cố gắng góp phần cải thiện tính minh bạch của hệ thống luật pháp thông qua xây dựng Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…

Các văn bản này sẽ dần đi vào cuộc sống với tinh thần cốt lõi là đổi mới về tư duy, để tạo môi trường tốt nhất cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.  Cùng với đó, để cải thiện tính minh bạch của hệ thống luật pháp nói chung, còn nhiều việc phải làm.

Điều quan trọng đầu tiên là các cấp quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy theo hướng kiến tạo hệ thống luật pháp khoa học, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, phải thực sự đặt mục tiêu phục vụ người dân, DN làm trọng, chứ không phải làm luật theo kiểu dễ cho quản lý, khó cho người thực hiện.

Các cấp quản lý nhà nước cũng cần từ bỏ tư duy co kéo lợi ích cục bộ của ngành mình. Trong hành trình nỗ lực cải cách hệ thống luật pháp, các cấp quản lý cần đặc biệt quan tâm đến hình thành các cơ chế nhằm thị trường hóa hơn nữa các loại thị trường, cũng như hệ thống dịch vụ công. Điều này sẽ góp phần quan trọng cải thiện tính chất kém minh bạch trong hành xử của các cơ quan quản lý và các DN Việt Nam.

Việc cải cách thể chế, hệ thống luật pháp còn cần được thúc đẩy theo hướng coi trọng pháp trị, với hệ thống chế tài đồng bộ, rõ ràng, đủ sức răn đe, để xử lý hiệu quả, đẩy lùi các hành vi không minh bạch, khuyến khích các hành vi minh bạch, nhằm khích lệ yếu tố minh bạch ngày càng lan rộng hơn trong nền kinh tế. 

Còn hành xử kém minh bạch

Tính chất kém minh bạch của nền kinh tế đang tác động không tích cực đến nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Điều này, theo Bộ trưởng, không chỉ biểu hiện qua hệ thống luật pháp kém minh bạch, mà còn thể hiện qua cách hành xử của các cấp quản lý, cũng như của các DN.

Cụ thể, một biểu hiện kém minh bạch là do vẫn còn những quy định pháp lý chưa đủ độ minh bạch, nên những cán bộ, công chức có tâm không tốt đã lợi dụng tình trạng này để nhũng nhiễu DN. “Theo yêu cầu của cán bộ, sau khi DN bổ sung thủ tục này, thì lại bảo còn thiếu, ngày mai phải bổ sung tiếp, gây khó cho DN...”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, trong khi hệ thống luật pháp đang được cải cách theo hướng minh bạch hơn, thì vấn đề nan giải đang đặt ra là, làm gì để cải thiện tính minh bạch, công tâm trong hành xử của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Trên thực tế, quy định pháp luật đã đầy đủ, tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn những cán bộ chưa nghiêm túc thực thi. Dẫu việc uốn nắn cán bộ để họ ngày càng minh bạch hơn trong thực thi công vụ là rất khó, nhưng một khi quy định pháp lý với hệ thống chế tài đang được hoàn thiện theo hướng đồng bộ hơn, gia tăng tính răn đe, nếu có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành, thì tình hình sẽ thay đổi.

“Với những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó dễ cho DN trong quá trình thực thi công vụ, chỉ cần kỷ luật vài vụ là họ sẽ sợ, từ đó sẽ tạo hiệu lực tích cực lan rộng...”, Bộ trưởng tin tưởng.

Một biểu hiện kém minh bạch nữa trong cách hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quá trình Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: FTA với EU, hiệp định TPP...

Tham gia các hiệp định này sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức. Trong khi quá trình đàm phán đang được thúc đẩy, thì điều đáng tiếc là các cấp quản lý lại chưa thường xuyên cập nhật các cơ hội, thách thức sâu rộng tới cộng đồng DN để giúp họ có đối sách tham gia hội nhập hiệu quả.

Tham gia các FTA thế hệ mới, bản chất là chúng ta cam kết mở cửa thị trường rộng hơn. Ta mở cửa cho họ, họ mở cửa cho ta, nhưng ta yếu, họ mạnh, nên nếu không có quá trình cập nhật thông tin bài bản, thường xuyên, để có đối sách hội nhập khôn ngoan, thì không cẩn thận các DN của chúng ta sẽ bị “bóp chết”.

Ở khía cạnh DN hành xử kém minh bạch, Bộ trưởng dẫn chứng: “Cách đây 3 năm, tôi có cuộc đối thoại với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm). Các đối tác chia sẻ họ thấy nhiều cơ hội có thể làm ăn tại Việt Nam, nhưng họ không thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Tôi hỏi tại sao, cản trở lớn nhất là gì, thì họ trả lời là tham nhũng và chia sẻ thêm, họ có sản phẩm cần bán cho DN Việt Nam và ngược lại họ có nhu cầu mua các sản phẩm từ các DN Việt Nam. Nhưng mua hay bán cái gì, các DN Việt Nam cũng đòi gửi giá, đòi hoa hồng… Điều này càng trở nên phổ biến hơn với các DNNN ở Việt Nam. Với các DN Việt Nam, điều này là bình thường, nhưng với các DN châu Âu thì không bình thường… Đây là điều rất lo lắng. Hành xử kém minh bạch là biểu hiện như vậy đó...”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, quá trình cổ phần hóa DNNN chưa đạt sự thay đổi về chất như kỳ vọng. Với những DNNN mà khi tiến hành cổ phần hóa, chỉ bán 5 - 7% cổ phần ra bên ngoài, thì vẫn con người cũ, lề lối làm ăn cũ, làm sao có thể thay đổi quản trị, cung cách kinh doanh được?

Cổ phần hóa là phải tạo cơ hội cho cổ đông bên ngoài làm chủ DN, chứ đừng nghĩ bắt họ bỏ tiền ra rồi làm “lính tráng” cho mấy ông chủ cũ. Một khi việc cải cách, cổ phần hóa DNNN vẫn còn những hạn chế về tính minh bạch như hiện nay, thì sẽ tác động không tích cực đến nỗ lực cải thiện tính minh bạch của nền kinh tế.

“Muốn cải thiện yếu tố minh bạch trong nền kinh tế, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các chủ thể, không chỉ là yêu cầu người dân đặt ra cho Chính phủ, mà còn là yêu cầu Chính phủ đặt ra với người dân, đặc biệt là từ giới DN. DN đòi hỏi Chính phủ minh bạch, nhưng chính DN cũng phải minh bạch. Chỉ có minh bạch mới giảm được sự nhũng nhiễu, tôn trọng những giá trị thực và cải thiện môi trường đầu tư...”, Bộ trưởng nói.           

Tin bài liên quan