Câu chuyện thần kỳ của nông nghiệp Israel

Câu chuyện thần kỳ của nông nghiệp Israel

(ĐTCK) Bài học về sự phát triển thần kì của ngành nông nghiệp Israel có thể xem là những kinh nghiệm hữu ích cho các nhà tạo lập chính sách và doanh nghiệp Việt đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Trước đây, 92% diện tích đất đai tại Israel thuộc sở hữu Chính phủ và được điều tiết bởi Ủy ban Đất đai quốc gia. Các làng nông nghiệp hoặc trang trại sẽ thuê đất của ủy ban này để canh tác. Quy mô, vị trí các vùng đất, nguồn nước… đều thuộc quyền kiểm soát và giám sát, phân bổ của Ủy ban Đất đai.

Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, Israel sớm nhận ra những điểm hạn chế của cơ chế quản lý tập trung này, đó là hạn chế cạnh tranh và đổi mới.

Chỉ với 2,2% dân số làm nông nghiệp, nhưng mỗi năm, Israel xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngoài trồng trọt, nền nông nghiệp Israel nổi tiếng với chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao nhất thế giới.

Bước ngoặt lớn sau khi cuộc khủng hoảng lương thực nổ ra tại Israel, làm sa mạc hóa các vùng ngoại ô và dân chúng rời bỏ làng quê, tha hương kiếm sống. Từ năm 1985, một cuộc cách mạng về nông nghiệp đã hình thành bắt nguồn từ tư duy cần phải phát triển nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, Chính phủ Israel cho phép sở hữu tư nhân với đất đai, khuyến khích người dân đầu tư vào nông nghiệp và tích tụ ruộng đất; đồng thời, xóa bỏ những ưu đãi, trợ cấp cho đầu tư vào lĩnh vực này, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nghiên cứu sáng tạo trong nông nghiệp.

Có nhiều mô hình đầu tư vào nông nghiệp tại Israel, nhưng hai mô hình có thể coi là “đặc sản” tại đây, gồm các đại nông trại (moshav) và làng nông nghiệp (kibbutz). Hiện ở Israel có 452 đại nông trại, là nơi tập trung của 3,1% dân số nước này. Đây là mô hình tổ chức nông nghiệp dựa trên các gia đình hạt nhân, hoặc các gia đình liên kết với nhau.

Bên cạnh đó là các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí là các làng nông nghiệp. Tại Israel, hiện có 268 làng nông nghiệp, chiếm 2,2% dân số. Mối dây liên kết để hình thành nên các làng nông nghiệp này là chung tầm nhìn về lợi ích, quan điểm phát triển, cộng đồng dân cư…

Mỗi đại nông trại hay làng nông nghiệp đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về công nghệ chăm sóc, nuôi dưỡng… đều được áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, sau đó mới được triển khai đại trà.

Chính phủ giảm hỗ trợ trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, mà định hướng chuyển mạnh sang quy luật kinh tế thị trường. Số người trực tiếp làm nông nghiệp giảm mạnh, hiện chỉ chiếm 2,2% dân số, song có tới 6,3% người hoạt động trong các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Không ưu đãi đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, nhưng Israel là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới, với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Các nhà khoa học thuộc các trung tâm không chỉ nghiên cứu sức đề kháng hạn hán trong thực vật, mà còn tạo ra các giống rau và cây trồng mới với năng suất cao, cũng như các phương pháp kiểm soát sinh học và chống sâu bệnh sử dụng ít hóa chất hơn. Công nghệ tưới nước hiệu quả, bảo quản sau thu hoạch của Israel cũng nổi tiếng thế giới.

Mỗi làng quê Israel được cải tạo về hạ tầng, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công và biến thành những điểm đến tuyệt vời với các du khách. Bên cạnh việc bảo tồn những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những lễ hội nông sản được tổ chức tại đây đã thu hút rất đông khách tham quan, chẳng hạn lễ hội cà chua, khoai tây hay rượu vang.

Chỉ với 2,2% dân số làm nông nghiệp, nhưng mỗi năm, Israel xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngoài trồng trọt, nền nông nghiệp Israel nổi tiếng với chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao nhất thế giới.

Chất lượng sữa cũng vào loại tốt nhất. Những nghiên cứu, đổi mới, thành tựu và giáo dục của Israel về nông nghiệp trên hoang mạc giờ đây đã được thế giới biết đến và coi như những phép nhiệm màu, từ đó thế giới học hỏi và chuyển giao công nghệ rất nhiều.

Tại Việt Nam, một số dự án hợp tác đã và đang được triển khai hiệu quả, chẳng hạn trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Israel tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trang trại thực nghiệm bò sữa là dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Israel và Ủy ban nhân dân TP.HCM đã bước sang năm thứ 5 vận hành.

Trang trại sử dụng toàn bộ công nghệ cao của Israel trong chế biến thực phẩm, quản lý đàn bò, hệ thống vắt sữa bò…, giúp cải thiện đáng kể chất lượng và sản lượng sữa. Dự án còn đóng vai trò làm trung tâm đào tạo kiến thức chăn nuôi bò sữa cho đông đảo bà con nông dân tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Tại phía Bắc, Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết hợp tác với 2 công ty Israel là Netafim và TAP triển khai dự án VinEco, vốn đầu tư khởi đầu hơn 38 triệu USD. Dự án tập trung xây dựng hệ thống nhà kính và trang thiết bị trồng rau củ quả và rau mầm tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện một số sản phẩm rau mầm, rau có lá thuộc dự án đã có mặt trên thị trường.

Tin bài liên quan