Cắt hàng nghìn “điều kiện cha, điều kiện con” bủa vây doanh nghiệp: Cần một đơn vị độc lập

Cắt hàng nghìn “điều kiện cha, điều kiện con” bủa vây doanh nghiệp: Cần một đơn vị độc lập

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang tính tới đề xuất hình thành cơ chế giảm những quy định gây rủi ro cho doanh nghiệp. Đứng đầu cơ chế này phải là một đơn vị độc lập.

“Điều kiện cha, điều kiện con”

3.407 là con số vừa được CIEM cập nhật về tổng số điều kiện kinh doanh đang được áp dụng cho 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

So với con số 5.826 điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014, một phần lớn đã được cắt giảm.

Ở đây, vai trò của 50 nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành và có hiệu lực vào tháng 7/2016 và Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và 1/7/2017 tới tùy theo quy định cụ thể).

Nhưng, bức tranh hiện hữu về điều kiện kinh doanh chưa có được những thay đổi thực sự đột phá so với trước.

“Chúng tôi tiếp tục phát hiện ra sự xuất hiện của các loại điều kiện “ông”, điều kiện “cha - con” trong cấu trúc của nhiều điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp lại rất vất vả để tuân thủ”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM chia sẻ những nhìn nhận đầu tiên khi khởi động lại công việc đánh giá về điều kiện kinh doanh.

Ví dụ được đưa ra là ngành nghề kinh doanh dịch vụ kế toán. Luật Kế toán quy định 3 điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Nhưng điều kiện có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề của Luật Kế toán đã được nghị định hướng dẫn nới thêm yêu cầu là phải đăng ký hành nghề tại công ty, được thông tư hướng dẫn bổ sung các quy định về phẩm chất, đạo đức, bằng cấp và thời gian công tác…

“Các  quy định về phẩm chất, đạo đức… không được gọi là điều kiện kinh doanh, nhưng đó là thủ tục để doanh nghiệp đạt được các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của pháp luật. Gánh nặng tuân thủ này mới thực sự làm khổ doanh nghiệp”, ông Hiếu chia sẻ phát hiện khi nghiên cứu các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh của 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong không ít quy định, ngay cả khi doanh nghiệp đã hoàn tất các điều kiện, nhưng nếu không được cơ quan quản lý ghi nhận hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, thì cánh cửa pháp lý để doanh nghiệp bước vào kinh doanh vẫn đóng.

Có nghĩa là, nếu chỉ cải thiện điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp vẫn không thể có một môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, rõ ràng, có thể tiên lượng…

Cơ chế cắt xén

12 năm trước, sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, mô hình máy chém chính sách của Hàn Quốc đã được các chuyên gia kinh tế chọn để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm. Sự nở rộ tràn lan của điều kiện kinh doanh dưới đủ mọi hình thức, khiến cả doanh nghiệp và giới nghiên cứu bức xúc.

Phải nói thêm, trước đó, vào thời điểm 2000-2003, cuộc chiến với giấy phép con lần đầu tiên được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp khởi xướng đã tạo nên một không khí rất mới trong xây dựng cơ chế - chính sách liên quan đến kinh doanh. Trong vòng 2 năm, khoảng 160 giấy phép kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ theo đề nghị của Tổ công tác.

Khi đó, các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt trong tư duy về điều kiện kinh doanh nhờ mô hình cắt xén. Hàn Quốc khi áp dụng cơ chế này đã giảm gần một nửa số văn bản pháp luật trong vòng hai năm (11.125 văn bản vào đầu năm 1998 còn 6.308 văn bản vào cuối năm 1999 - chưa kể 2.411 văn bản được điều chỉnh).

Nhưng mô hình trên chưa hội tụ điều kiện để thực hiện. Cuộc cải cách về điều kiện kinh doanh mà Luật Đầu tư 2014 đặt nền tảng đã thành công trong việc hạn chế sự tùy tiện trong ban hành điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương.

Vấn đề là, rủi ro kinh doanh tiếp tục ẩn chứa trong các văn bản hướng dẫn thực thi các điều kiện kinh doanh. Đầu mối ban hành các văn bản này là các cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Với tư duy theo kiểu coi điều kiện kinh doanh là công cụ chủ lực để quản lý nhà nước, chất lượng điều kiện kinh doanh và cơ chế thực thi chưa thay đổi ở cấp thực thi”, ông Hiếu phân tích khi nhắc lại câu hỏi thường nhận được là không xác nhận đủ điều kiện, không xác nhận chất lượng nhân lực… thì các cơ quan nhà nước quản lý bằng gì.

Đây là lý do khiến nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, nếu trông đợi vào sự thay đổi tư duy của các cơ quan quản lý chuyên ngành, thì doanh nghiệp có thể sẽ mất thêm nhiều năm mang gánh nặng thủ tục không cần thiết.

“Chúng tôi đang nghiên cứu đề nghị thành lập một bộ phận độc lập để thực hiện rà soát và cắt xén các quy định gây rủi ro cho doanh nghiệp trong tất cả quy định pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh, chứ không giới hạn ở các quy định về điều kiện kinh doanh”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.

Nguyên tắc của cơ chế này là bất cứ quy định nào được đánh giá là tạo rủi ro, gây gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tạo các tác động không cân xứng đền khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị cắt bỏ. Tư duy rà soát cũng phải theo nguyên tắc quản lý nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, xóa bỏ sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.

Tuy nhiên, cái khó của đề xuất này chính là tính độc lập của bộ phận này. Bởi, nếu có bất cứ sự liên quan lợi ích nào tới các điều kiện kinh doanh, thì cơ chế này sẽ không phát huy tác dụng.

Tin bài liên quan