Cảnh giác lạm phát nhảy số

Việc giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 3 tăng giá kể từ đầu năm tới nay tuy giảm bớt phần nào nỗi lo hụt thu ngân sách, nhưng rất có thể là yếu tố cộng hưởng quan trọng, khiến “bóng ma lạm phát” quay trở lại. 
Nhiều tín hiệu cho thấy khả năng CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nhiều tín hiệu cho thấy khả năng CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Xăng dầu tăng giá, tất yếu ngân sách thêm nguồn thu. Minh chứng là qua 2 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu gần đây nhất (ngày 21/3/2016 và 5/4/2016), chỉ riêng dầu thô (chưa tính xăng dầu thành phẩm) đã đem về cho ngân sách nhà nước 3.700 tỷ đồng trong tháng 4, bằng 154% số thu từ dầu thô bình quân 3 tháng đầu năm, cho dù sản lượng dầu thô khai thác tháng 4 giảm mạnh.

Song đằng sau sự tăng giá xăng dầu là mối lo “bóng ma lạm phát” sẽ quay trở lại một khi có thêm nhiều yếu tố cộng hưởng khác. Số liệu thống kê hàng tháng, hàng quý cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tăng hay giảm thường song hành với diễn biến giá xăng dầu. Đơn cử, năm 2015, CPI chỉ tăng 0,6% so với năm 2014 có nguyên nhân quan trọng do giá xăng dầu giảm liên tục, với tổng mức giảm lên tới 24,77% so với năm 2014.

Nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng như 4 tháng đầu năm, cộng với một số tín hiệu như lương cơ bản tăng, hạn hán..., nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Quốc hội đã đặt ra sẽ khó thực hiện.

Giá xăng dầu giảm tất yếu kéo theo giá chất đốt (gas) cùng chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng và giao thông giảm... góp phần đáng kể khiến CPI năm 2015 tăng thấp.

Ở chiều ngược lại, diễn biến giá xăng dầu từ nửa cuối tháng 3/2016 gia tăng đã tác động làm CPI trong tháng tăng 0,16%, kéo theo chỉ số giá giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng, cùng nhiều hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến CPI trong tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng trước đó và tăng 1,33% so với tháng 12/2015.

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lạm phát hàng năm dao động quanh mức 4-5% sẽ khuyến khích đầu tư, khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên lý thuyết, nếu tốc độ tăng CPI từ nay đến cuối năm bình quân như 4 tháng vừa qua thì năm 2016, CPI sẽ ở mức 4-5%. Mức tăng này không chỉ bảo đảm mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo GDP tăng trưởng bền vững.

Tuy vậy, nhiều tín hiệu cho thấy khả năng CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Thứ nhất, lương cơ sở của khu vực hành chính, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng được điều chỉnh tăng từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/5/2016, đồng nghĩa với việc có thêm một lượng tiền lớn đổ vào thị trường.

Thứ hai, hạn hán ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và khu vực miền Trung, cộng với việc giá gạo xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã và đang khiến nhóm hàng lương thực có xu hướng tăng giá.

Thứ ba, tình trạng hải sản chết chưa rõ nguyên nhân ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý sử dụng hải sản hàng ngày của người tiêu dùng, khiến các mặt hàng thực phẩm khác tăng giá.

Thứ tư, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang có xu hướng tăng trở lại, khiến chi phí đầu vào sản xuất tăng, làm tăng giá thành sản phẩm, đẩy giá bán nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tăng theo.

Thứ năm, theo quy luật, vào những tháng hè, nhu cầu nghỉ mát, du lịch của người dân tăng mạnh, cộng thêm với kỳ thi đại học, cao đẳng diễn ra vào tháng 6, tháng 7 và khai giảng năm học mới vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, sẽ đẩy giá dịch vụ ăn uống, lưu trú, đi lại, đồ dùng học tập, may mặc, giày dép… tăng mạnh.

Cuối cùng, giá điện, nước sinh hoạt cũng “nhấp nhổm” tăng do nhu cầu sử dụng điện, nước vào mùa hè của người dân tăng cao.

Như vậy, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng như 4 tháng đầu năm, cộng với 6 lý do trên, thì nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Quốc hội đã đặt ra sẽ khó thực hiện. Khi đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bị phá vỡ, GDP khó có thể đạt mức tăng 6,7% như kế hoạch đề ra.

Có lẽ đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tham gia nhiều hơn vào việc kiểm soát tốc độ CPI. Trước mắt có thể tạm thời chưa tăng giá điện, nước, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục ở mức hợp lý, kiểm soát chặt lãi suất ngân hàng, tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý tăng giá hàng hoá, dịch vụ… Đặc biệt, phải thực hiện ngay 10 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016.

Tin bài liên quan