Kinh tế quý III sẽ tạo đà cho quý IV
Theo VEPR, bức tranh kinh tế quý III có nhiều cải thiện nhờ những tín hiệu tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp GDP quý III tăng 6,4%, 9 tháng đầu năm tăng 5,93%. Những điểm sáng được VEPR đánh giá là có nhiều khởi sắc, mang lại sự tăng trưởng ấn tượng cho quý III là tình hình hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khả quan, đặc biệt số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới cũng như số vốn đăng ký trung bình tăng mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục cả về lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn kim ngạch nhập khẩu (8,3% so với 5%) giúp cán cân thương mại thặng dư trong quý III.
Ngoài ra, thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định, tạo điều kiện để kinh tế quý III phục hồi. Theo VEPR, Ngân hàng Nhà nước đang có những điều kiện thuận lợi để quản lý tỷ giá một cách chủ động khi tâm lý đầu cơ trên thị trường không còn lớn.
Dự trữ ngoại hối tăng liên tục và có khả năng vượt mức 37 tỷ USD vào cuối năm. Mặt bằng lãi suất ổn định khi nguồn huy động dồi dào. Cả lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng đều giảm, không còn hiện tượng chạy đua lãi suất như những quý trước.
“Chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể từng bước cắt giảm lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như các quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra cú huých cho các doanh nghiệp trong quý IV. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”, đại diện nhóm tác giả công bố báo cáo nhận định.
Áp lực bội chi ngân sách và lạm phát
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, một vấn đề đáng lo ngại là ngân sách nhà nước tiếp tục gặp khó khăn do hụt thu các nguồn thu chính. Tỷ lệ thu ngân sách so với dự toán thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là thu ngân sách trung ương. Điều này tạo sức ép buộc Chính phủ phải tăng cường các nguồn thu khác nhằm cân đối ngân sách.
“Trong thời gian tới, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt nhằm cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên để hạn chế tối đa bội chi ngân sách; nếu không, mục tiêu duy trì bội chi dưới 5% GDP trong 2016 sẽ bị phá vỡ”, TS. Thành nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cần quan tâm, đó là nguy cơ lạm phát tăng mạnh vào cuối năm. Theo phân tích của VEPR, so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cuối quý III/2016 là 3,34%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 1,85%. Điều này cho thấy tác động của việc điều chỉnh giá nhóm hàng do Nhà nước quản lý tới mức giá chung. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Ông Thành dự báo, lạm phát cuối năm có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
Cơ sở của dự báo này là giá dầu thô và một số mặt hàng năng lượng khác có thể tăng trong những tháng cuối năm sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đồng thời, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới vẫn là một ẩn số trong thời gian tới, dù có diễn biến giảm trong quý III. Do đó, cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong các tháng cuối năm. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Với các phân tích, nhận định trên, VEPR giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở mức 6% hoặc thấp hơn, đồng thời lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ quan trọng trong quý IV để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
“Nếu lạm phát tăng cao thì sẽ làm mất lòng tin của người dân. Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6 - 6,2% là thành công trong điều hành của Chính phủ năm nay. Công nghiệp khai khoáng giảm là hiện tượng khách quan, càng ngày tài nguyên càng cạn kiệt, nhưng giá lại thấp, không nên tận khai tài nguyên thiên nhiên. Chấp nhận giảm công nghiệp khai khoáng để có chính sách cho phù hợp là điều chúng ta cần làm hiện nay”, ông Tuyển khuyến nghị.