Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Càng hỗ trợ, doanh nghiệp càng ỷ lại

Ngày 2/4, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) - cơ sở pháp lý để thông qua Nghị quyết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. “Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu, không còn điểm lùi trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.

Việt Nam chính thức hội nhập với kinh tế thế giới từ năm 1995 bằng việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA). Nhìn lại 20 năm tham gia AFTA, ông có nhận định gì?

Sau khi tham gia AFTA, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

Từ đó đến nay, hàng loạt luật, pháp lệnh đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung theo đúng “chuẩn mực quốc tế”  và yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà chúng ta gia nhập, ký kết, như Bộ luật Dân sự, Luật Hợp tác xã, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kế toán, Luật Đất đai, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán... và các luật về thuế.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta không xây dựng được thể chế theo đúng các cam kết quốc tế, theo đúng cơ chế thị trường, thì trong vòng 20 năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam không thể phát triển tương đối nhanh và bền vững như ngày nay. Đến năm 2018, Việt Nam phải thực hiện tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, nên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đặt ra cho Quốc hội Khóa XIV vẫn hết sức nặng nề.

Gia nhập WTO năm 2007 là dấu mốc quan trọng đánh dấu Việt Nam chính thức tham gia sân chơi toàn cầu. Nếu nói về được - mất sau gần 10 năm gia nhập WTO, ông đánh giá thế nào?

Ngay sau khi gia nhập WTO, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái khiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2008 - 2010 chỉ đạt 6,14% - thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 2 năm trước đó là 8,34%. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi về lợi ích khi gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, đặt nền kinh tế Việt Nam với các nước trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa ra khỏi suy thoái đã rơi vào suy giảm, nhiều nền kinh tế tăng trưởng rất thấp, thậm chí âm, trong khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng GDP cao nhất thế giới, mới thấy chúng ta đã gặt hái nhiều lợi ích khi gia nhập WTO.

Trong 10 năm qua, tất cả các mục tiêu quan trọng như tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút vốn ODA, thu ngân sách nhà nước… đều có bước phát triển ngoạn mục. Tôi nghĩ rằng, nếu nền kinh tế không buộc phải vận hành, chuyển đổi theo các cam kết quốc tế thì các mục tiêu trên khó có thể đạt được cao như vậy.

Muốn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần phải có ngành công nghiệp cơ khí phát triển. Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm Việt Nam hòa nhập với kinh tế giới, có thể thấy đây là tiêu biểu của sự thất bại?

Nói đến ngành công nghiệp ô tô, người ta chỉ nói về việc nâng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, lắp ráp xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, mà quên mất ô tô tải, xe khách, xe bus… Ngoài ô tô dưới 9 chỗ ngồi mà chúng ta không đạt mục đích, nhiều doanh nghiệp sản xuất các loại ô tô khác đã có chỗ đứng khá vững, đã có thương hiệu trên thị trường.

Ngành sản xuất ô tô dưới 9 chỗ ngồi đúng ra là được hỗ trợ, bảo hộ rất lớn. Khi gia nhập WTO cũng như thực hiện các hiệp định thương mại tự do khác, nhiều người nói, cứ hỗ trợ, bảo hộ tối đa nếu không vi phạm vì doanh nghiệp mình còn yếu, còn thiếu kinh nghiệm… Nhưng thực tế cho thấy, càng hỗ trợ, thì doanh nghiệp càng ỷ lại, trông chờ bấy nhiêu. Đây là bài học để Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.

Nông nghiệp “trụ” khá tốt trước hội nhập kinh tế, nhưng đó chỉ là thời kỳ đầu khi mà sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vẫn phải chịu thuế. Kể từ năm 2018 trở đi khi thuế nhập khẩu nông sản bị dỡ bỏ, ông có lo ngại không?

Chúng ta có rất nhiều mặt hàng nông sản có thể mạnh như chè, cà phê, thủy-hải sản, gạo… đều đứng ở hàng top đầu thế giới và rất may là những đối thủ cạnh tranh với hàng nông sản Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc… ít nhất 7-8 năm nữa mới có cơ hội tham gia TPP. Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp “bứt tốp” để chiếm lĩnh thị trường 11 nước TPP.

"Càng hỗ trợ, thì doanh nghiệp càng ỷ lại, trông chờ bấy nhiêu. Đây là bài học để nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới"

Tuy nhiên, nếu sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ, theo kiểu truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên, mà không áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thì cũng mất luôn thị trường nội địa, chứ đừng nói gì đến xuất khẩu vào TPP.

Nhưng bất luận ngành nông nghiệp, sản xuất ô tô dưới 9 chỗ… còn khó khăn thế nào, thì hội nhập kinh tế là xu hướng tất yếu, không còn điểm lùi trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tin bài liên quan