Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cần giải pháp giải phóng gần 28.000 container tồn đọng

(ĐTCK) Hàng chục nghìn container hàng phế liệu đang nằm "phơi sương, phơi nắng" tại các cảng biển ở Việt Nam, nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang "tắc" do thiếu cả kinh phí lẫn cơ chế xử lý.

27.944 container phế liệu có nguy cơ tồn đọng

Theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2018, số lượng container chậm luân chuyển, có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam là 27.944 chiếc. Trong đó, khu vực cảng biển TP.HM có 14.658 chiếc, Hải Phòng có 6.753 chiếc, Bà Rịa - Vũng Tàu có 6.533 chiếc...

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, trong thời gian gần đây, chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, với diễn biến phức tạp, khó dự đoán là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

"Chẳng hạn, việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018 khiến một lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc… không được nhập khẩu vào nước này, mà sẽ tìm đường vào các quốc gian lân cận, trong đó có Việt Nam. Số container có nguy cơ tồn đọng này chủ yếu là phế liệu như dây cáp điện, máy móc, thiết bị cũ, phế liệu nhựa, giấy…", ông Sang nêu dẫn chứng.

Đáng chú ý, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy... sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu và khách hàng đã ký hợp đồng, hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển về cảng. Việc lượng lớn hàng hóa bị ách tắc nếu không được giải quyết kịp thời sẽ vừa gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, vừa làm tăng chi phí từ ngân sách trong việc xử lý, tiêu hủy...

“Hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam dẫn tới hệ lụy là các doanh nghiệp phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng, hoặc có nhu cầu vận chuyển giữa các bến cảng, cảng cạn (ICD) khác để chứa. Bên cạnh đó, việc đòi hỏi các cơ quan chức năng tháo gỡ về thủ tục sẽ làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Sang nhấn mạnh.

Giải phóng phế liệu ách tắc, thiếu cả kinh phí lẫn cơ chế

Thời gian qua, cục hải quan các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các chi cục thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ.

"Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng thì cơ quan hải quan kiểm tra chi tiết và xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, nếu quá thời hạn 90 ngày thì xử lý theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan...", ông Sang nói. Tuy nhiên, đối với hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày, lãnh đạo Cục Hàng hải cũng cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể.

Một khó khăn khác nảy sinh trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng, theo vị này, đó là vấn đề kinh phí.

"Theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC, trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả, Hội đồng xử lý tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng", ông Sang nhấn mạnh.

Để khắc phục những vấn đề trên, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp kịp thời để xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu và các mặt hàng khác đã lưu bãi trên 90 ngày tại các cảng biển Việt Nam; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tăng cường phối hợp với các hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về cảng khác trước khi tàu cập các cảng biển Việt Nam, tránh kéo dài thời gian giải phóng tàu làm phát sinh chi phí cho các bên liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư 203/2014/TT-BTC để chủ động xử lý hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển.

Về phía doanh nghiệp, trong thời gian chờ cơ chế, đã chủ động đưa ra biện pháp hạn chế các mặt hàng phế liệu nhựa, giấy nhập khẩu qua cảng. Đơn cử, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Bên cạnh đó, từ 1/6 - 30/9/2018, Tân Cảng Sài Gòn ngừng tiếp nhận các container nhựa, giấy phế liệu chuyển từ các cảng nội địa khác, kể cả các cảng thuộc hệ thống của Tổng công ty về cảng đích là Tân cảng Cát Lái.

Tin bài liên quan