Cho đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa có động thái rõ ràng nào về việc tiếp tục duy trì hay bỏ quy định tại Thông tư 20/2011

Cho đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa có động thái rõ ràng nào về việc tiếp tục duy trì hay bỏ quy định tại Thông tư 20/2011

Cần bỏ tư duy “lo hộ” trong xử trí Thông tư 20

(ĐTCK) Thị trường nhập khẩu ô tô những ngày qua đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt về việc nên bỏ quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT về nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi (hết hiệu lực từ 1/7/2016) hay tiếp tục đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương. 

Xung quanh câu chuyện này, một số chuyên gia, luật sư cho rằng, đã đến lúc, Bộ Công thương cần bỏ tư duy “lo hộ” không hợp lý đối với chất lượng xe ô tô nhập khẩu. 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Thông tư 20 hạn chế việc nhập khẩu ô tô đương nhiên có lợi rõ rệt cho một số đầu mối nhập khẩu xe ô tô có lợi thế, thậm chí là độc quyền và các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Ông Đức phân tích, việc sử dụng ô tô có liên quan đến an toàn của nhiều người, đến môi trường, nên chính sách quản lý của Nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, mua bán, sử dụng xe ô tô có nhiều quy chuẩn rõ ràng, chi tiết để bảo đảm an toàn cao. Tuy nhiên, không nên nhập nhằng giữa yêu cầu tổng thể về an toàn, trật tự xã hội, sức khoẻ cộng đồng liên quan đến xe ô tô với công đoạn mua bán, trong đó có xuất nhập khẩu xe nguyên chiếc.

"Nếu nói cần duy trì Thông tư 20 để đảm bảo vấn đề chất lượng đăng kiểm là lo hộ, bởi vì cơ quan chức năng cần đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm và chức năng của mình"

- Ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Càng không nên đánh tráo khái niệm rằng, nếu ít nhà nhập khẩu thì lượng xe nhập về trong nước sẽ ít, còn nhiều nhà nhập khẩu thì lượng xe nhập về sẽ nhiều. Việc xe ô tô nhập nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung - cầu, cùng với chính sách thuế, tình trạng đường xá, giá xăng dầu và các yếu tố kinh tế khác.

“Rào cản hạn chế này chỉ làm tăng tình trạng độc quyền, tăng giá bán, tăng lợi thế và tăng lợi nhuận cho một số ít nhà nhập khẩu và thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhà nước càng không thể lấy lý do nhiều nhà nhập khẩu thì thất thu vì khai giá thấp, trốn thuế. Dù nhà nhập khẩu ít hay nhiều thì đều có thể xảy ra tình trạng này và đó là trách nhiệm của cơ quan thuế, hải quan, của nhà nước”, luật sư Đức lập luận.

Cũng theo ông Đức, việc hạn chế nhà nhập khẩu xe đi ngược lại nguyên tắc kinh tế thị trường, hạn chế cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng, phân biệt đối xử và chèn ép doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này đã khẳng định rõ Thông tư 20 trái với Luật Đầu tư, trái với Hiến pháp. Trong khi ô tô là một trong số rất ít mặt hàng dễ quản lý xuất nhập khẩu nhất về cả số lượng, chất lượng, hoạt động kinh doanh.

Đứng ở góc độ cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, quy định phải có giấy ủy quyền của chính hãng tại Thông tư 20 gián tiếp tiếp tay cho việc độc quyền, làm hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó hạn chế chủ trương rất lớn của Chính phủ là tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đứng ở góc độ quản lý tiêu chuẩn vận hành xe ô tô, ông Phong cho rằng, việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm cần thông qua hàng rào kỹ thuật, việc bỏ Thông tư 20 không có nghĩa là buông lỏng quản lý chất lượng nhập khẩu xe ô tô. Hiện vai trò quản lý chất lượng các phương tiện do Cục Đăng kiểm đảm nhận, với quy trình và chất lượng đăng kiểm được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu.

“Nếu nói cần duy trì Thông tư 20 để đảm bảo vấn đề chất lượng đăng kiểm là lo hộ, bởi vì cơ quan chức năng cần đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm và chức năng của mình”, ông Phong nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các ý kiến đưa ra cho rằng duy trì Thông tư để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hay an toàn thì đều không hợp lý. “Tôi nghĩ an toàn hay không chủ yếu do người lái. Về vấn đề bảo vệ môi trường, xe vẫn thường xuyên đi đăng kiểm. Đây là vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải, chứ không thuộc về hãng nhập khẩu”, ông Thủy khẳng định.

Theo ông Thủy, đó là còn chưa kể dù 5 năm đưa Thông tư 20 vào thực hiện vẫn không thay đổi nhập siêu và tỷ lệ nội địa hoá. Trong khi đó, việc duy trì đại lý uỷ quyền cũng là một hình thức độc quyền. “Như tôi biết, mọi người phải xếp hàng mới mua được xe Toyota trong nước, thậm chí có những trường hợp phải trả thêm tiền để mua xe. Do vậy, không nên duy trì Thông tư 20. Thay vào đó, các bộ cần đưa ra các quy định riêng biệt, cụ thể như Bộ Tài chính nên quy định về thuế, còn Bộ Giao thông cần quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Thủy đề xuất.           

Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7. Theo Thông tư 20, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ vào Việt Nam phải có hai chứng từ. Một là giấy chỉ định (giấy uỷ quyền) nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Tin bài liên quan