Chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh

Chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh

CAMS 2014: Người Việt Nam ủng hộ kinh tế thị trường với mức độ rất cao

(ĐTCK) Sáng nay tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014”.

Gần 30 năm thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường thành phần, Việt Nam đã có những bước chuyển biến nhất định. Mặc dù vậy, cảm nhận của người dân, hay cụ thể là từng nhóm xã hội đối với quá trình này vẫn còn chưa rõ ràng.

Nhằm làm rõ điều này, từ đó góp phần cung cấp thêm thông tin cho việc thảo luận chính sách tại Việt Nam, Khảo sát về sự thay đổi nhận thức của người Việt Nam đối với vai trò của Nhà nước và Thị trường (CAMS 2014) tiếp tục được thực hiện sau thành công đã đạt được từ CAMS 2011.

Kết quả điều tra CAMS 2014 một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm khảo sát đối với mô hình kinh tế thị trường (89%), sở hữu tư nhân trong DN (71%) và yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách (94%), tăng nhẹ so với khảo sát năm 2011 (kết quả tương ứng lần lượt là 87%, 69% và 92%).

Tuy vậy, đánh giá của người dân về thực tiễn nền kinh tế cũng cho thấy những điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, tình trạng “lưỡng thể” trong nền kinh tế còn cao, với sự hiện diện của cả nhân tố nhà nước và thị trường. Điều này thể hiện ở việc không có sự khác biệt đáng kể và rõ ràng trong đánh giá của người dân về tính chất nhà nước hay thị trường của nền kinh tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường thì cũng gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế nhà nước.

Kết quả này cho thấy ở Việt Nam, trên thực tế hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Nền kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ trong khi nền kinh tế nhà nước còn ảnh hưởng rất lớn. Dù các nhóm đều thừa nhận và ủng hộ kinh tế thị trường cũng như xã hội hóa, song cảm nhận thực tế lại cho thấy sự nhập nhằng và “mơ hồ” về bản chất thực sự của nền kinh tế khá rõ nét.

Thứ hai, về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm. Rõ ràng, quá trình chuyển đổi sang nền KTTT vẫn tiếp tục song tốc độ thực tế chậm so với kỳ vọng.

Thứ ba, khảo sát cũng cho thấy đa số những người ủng hộ nền KTTT vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với 2011.

Lý giải xác đáng mâu thuẫn trên cần những nghiên cứu sâu hơn. Tuy vậy, có thể phần nào thấy rằng, việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy lại càng khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước.

Điều này giải thích tại sao tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong 5 năm qua vẫn còn chậm hoặc rất chậm (36% đồng tình trong khi chỉ có 29% đánh giá nhanh). Ngoài ra, mâu thuẫn này cũng có khả năng xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào thị trường, e ngại rằng tình trạng độc quyền thậm chí sẽ tăng cao hơn trước, khi mà trên thực tế rất nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay can thiệp của nhà nước và do nhà nước độc quyền (như điện, nước, xăng dầu, thuốc men….).

Truyền thông cũng có thể là yếu tố tác động đến nhận thức, khi luôn kêu gọi sự can thiệp của nhà nước bất cứ khi nào giá cả biến động thất thường.

CAMS 2014: Người Việt Nam ủng hộ kinh tế thị trường với mức độ rất cao ảnh 1

Nhóm mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, thuốc men… hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay can thiệp của nhà nước

Thứ tư, kết quả khảo sát cũng cho thấy trong những công cụ chủ yếu mà nhà nước sử dụng để ổn định thị trường và giá cả, thì cả vai trò của doanh nghiệp nhà nước lẫn các chương trình bình ổn giá lại đều bị người dân đánh giá thấp về hiệu quả.

1/ 2 số người tham gia khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường, số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 47% đánh giá chương trình này hiệu quả.

Đa số người tham gia không đánh giá cao mức độ đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước lớn vào nền kinh tế. Trung bình chỉ có 19% nhận định là tích cực hoặc rất tích cực. Tỷ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.

Thứ năm, về tính minh bạch, khảo sát CAMS 2014 cho thấy còn nhiều dư địa để cải thiện và nâng cao tính minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam hiện nay. Trung bình chỉ 44% người cho biết tính minh bạch của quá trình này 5 năm qua (2009-2014) tăng, thấp hơn so với năm 2011 (53%).

Dữ liệu điều tra theo thời gian, trong suốt ba năm, mức độ minh bạch hầu như không có sự cải thiện (tỷ lệ đánh giá là minh bạch chỉ dừng ở 15%).

Thứ sáu, người tham gia khảo sát cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ xu hướng nhà nước chuyển một số dịch vụ công sang cho khu vực tư nhân thực hiện. Mặc dù ủng hộ “xã hội hóa” một số dịch vụ công và thừa nhận khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ tốt hơn nhà nước, nhưng tỷ lệ “ủng hộ song còn quan ngại” (57%) vẫn cao hơn tỷ lệ “hoàn toàn ủng hộ” (42%) chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công.

Cuối cùng, người dân dường như chưa hài lòng nhiều đối với tình hình hiện tại và sự thay đổi trong thời gian vừa qua. Tỷ lệ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước đã giảm xuống mức rất thấp (chỉ 19%). Dù quá nửa số người tham gia điều tra vẫn có niềm tin ở tương lai của con em, song tỷ lệ niềm tin trong CAMS 2014 đã giảm so với CAMS 2011, đồng thời một số lớn người dân (47%) cũng bày tỏ sự bức xúc trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, điều “lạ” và đáng suy nghĩ hơn nhiều, là thời kỳ của điều tra CAMS 2014 cũng chính là thời kỳ mà các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ tập trung hơn bao giờ hết vào vấn đề đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng thị trường để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 được Đại hội XI thông qua tháng 1 năm 2011 đều khẳng định đường lối tiếp tục và đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, khẳng định 3 đột phá chiến lược, trong đó số 1 là cải cách thể chế kinh tế.

Quốc hội cũng đã thông qua nhiều luật - và cao nhất là Hiến pháp 2013 - cũng như nhiều nghị quyết theo hướng đó. Chính phủ cụ thể hóa các đường hướng này bằng hàng loạt chiến lược, qui hoạch, kế hoạch và chính sách, đặc biệt tập trung cao vào cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Như vậy, đường hướng chung và các CAMS kết cải cách của hệ thống lãnh đạo đất nước đã được khẳng định.

 

Thành công sau lần đầu tiên công bố Báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam” năm 2011, VCCI và WB tiếp tục phối hợp thực hiện đánh giá cảm nhận của một số người dân Việt Nam đối với vai trò của Nhà nước và Thị trường tại Việt Nam.

Trong ba năm qua, cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã được thực hiện đến đâu? Vai trò của nhà nước và thị trường đã được phân định rõ ràng hay chưa? Việc nhà nước can thiệp hành chính vào thị trường có đem lại hiệu quả như mong muốn không? Người dân Việt Nam có thực sự được hưởng lợi từ chính sách vận hành kinh tế hiện nay ? Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có ổn định hơn không? Quá trình hoạch định và thi hành chính sách có được cải thiện ?....

Cảm nhận của người Việt Nam về những vấn đề trên là những nội dung nghiên cứu chính trong báo cáo Khảo sát về sự thay đổi nhận thức của người Việt Nam đối với vai trò của Nhà nước và Thị trường (CAMS 2014)

Khảo sát CAMS 2014 có sự tham gia của 1.600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng đến từ các cơ quan nhà nước, chính phủ, UBND và sở ngành các tỉnh, cơ quan Quốc hội, DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN dân doanh, cơ quan báo chí…. Đặc biệt, trong số này có 200 người đã từng tham gia phóng vấn khảo sát năm 2011, giúp nhóm nghiên cứu nhận rõ hơn các xu hướng thay đổi cảm nhận theo thời gian.

Tin bài liên quan