Vinalines là một trong những doanh nghiệp lớn có kế hoạch bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng trong quý IV/2017

Vinalines là một trong những doanh nghiệp lớn có kế hoạch bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng trong quý IV/2017

Bước ngoặt chiến lược

(ĐTCK) Cùng với Nghị quyết của Đảng, những động thái quyết liệt của Chính phủ gần đây cho thấy, các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, để thành công cả về lượng và chất, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ một cách tổng thể, quy trách nhiệm và thường xuyên giám sát trách nhiệm này.

Có 3 điểm nhấn được quan tâm trong kế hoạch tái cấu trúc khối DNNN bao gồm thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cho đến thời điểm này, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng cả ba mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức.

Cổ phần hóa: Nặng hình thức

Chín tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp này là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Quy mô vốn của doanh nghiệp trung bình đạt 2.400 tỷ đồng/đơn vị, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1.500 tỷ đồng/đơn vị của năm 2016.

Chúng tôi đang thực hiện đối thoại tích cực với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi không có bình luận gì về thời gian, quy trình hay giá trị

- Đại diện Carlsberg cho biết về tiến trình đàm phán trong thương vụ thoái vốn nhà nước tại Habeco.

Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô lớn, rất lớn trong đó Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil, PVPower; Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tổng công ty Vinalines... đều có kế hoạch IPO vào tháng 11, 12 năm nay. Mặc dù vậy, hiện thị trường chưa nhận được thông tin chi tiết về bất cứ phương án phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nào.

Tại một hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, luật sư Tony Foster, đến từ Công ty Freshfields Bruckhaus Deringer nói rằng, điểm yếu trong tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam là không tìm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp, trong đó có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

“Các nhà đầu tư chưa thể gọi là nhà đầu tư chiến lược, vì lượng cổ phần bán ra chưa bao giờ quá 20%”, ông Tony Foster nói.

Vị luật sư này dẫn chứng nhiều thương vụ như Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) mua được 15% cổ phần Vietcombank mất 5 năm đàm phán; JX Nippon Oil & Energy chỉ mua 10% cổ phần PLX...

Khác với các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược muốn tăng giá trị đầu tư bằng cách tham gia vào quản trị doanh nghiệp, tạo ra những thay đổi thực chất tại doanh nghiệp, vì thế cần một lượng cổ phần đủ lớn để hấp dẫn họ. Giá bán hợp lý và quy trình bán minh bạch, quyền lợi của nhà đầu tư rõ ràng cũng là yêu cầu không thể thiếu để họ mạnh dạn bước chân vào doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đều cho biết, giá trúng thầu bình quân của đợt IPO tại các doanh nghiệp mà 2 tập đoàn đang triển khai IPO sẽ là căn cứ để đàm phán giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.

Điều kiện trên từng khiến không ít cuộc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thất bại ngay từ vòng ngoài. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giá trúng thầu bình quân trong các đợt đấu giá khó có thể phản ánh chính xác định giá cổ phần, vì yếu tố tâm lý và thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến phiên đấu giá.

Ngoài ra, ông Thiên dẫn số liệu về việc 96,5% số DNNN được cổ phần hóa nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân để chứng minh rằng, mục tiêu tái cơ cấu đề ra rất lớn, nhưng thực tế đo đếm được ở mức rất thấp.

“Các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa. Gần đây là những lình xình liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, với câu chuyện thâu tóm đất vàng”, ông Thiên nhận xét.

137 DNNN đang chờ đợi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước từ nay đến năm 2020 sẽ phải bước qua thách thức này.

Thoái vốn nhà nước: Nút thắt định giá doanh nghiệp

Một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, Thường trực Chính phủ đã thống nhất không nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại công ty bia lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, phương thức thoái vốn tại Sabeco sẽ được thực hiện nhỏ giọt tương tự như VNM.

Có lẽ, do độ phức tạp và quy mô quá lớn của VNM, Sabeco và Habeco mà quá trình thoái vốn tại 3 doanh nghiệp này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, nhìn vào những thông điệp từ cơ quan quản lý đưa ra gần đây cho thấy, có sự cân nhắc rất kỹ trong tiến trình thoái vốn khỏi những “con gà đẻ trứng vàng”.

Với những doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành nghề, sở hữu thương hiệu mạnh, có nhiều tài sản, định giá doanh nghiệp như thế nào cho hợp lý vẫn là đề tài đang được tranh cãi. Đơn cử trường hợp Sabeco, không phủ nhận sự hấp dẫn của doanh nghiệp, nhưng đã có nhà đầu tư lên tiếng về việc nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cao hơn thị giá trên sàn hiện nay là 266.000 đồng/cổ phiếu, sẽ là bất hợp lý.

Bước ngoặt chiến lược ảnh 1

Trong khi đó, những bất cập trong các quy định hiện hành có thể tạo ra kẽ hở cho việc trục lợi tài sản Nhà nước. Chẳng hạn, việc định giá thương hiệu được tính toán dựa trên chi phí marketing, quảng cáo, xây dựng nhãn hiệu... cộng lại. Với những doanh nghiệp không có khoản mục này, giá trị thương hiệu sẽ bằng 0. Hay quyền thuê các lô đất (trả tiền sử dụng hàng năm) theo quy định hiện hành cũng bằng 0.

Ngay cả những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, tạo cho doanh nghiệp có thêm luồng gió mới bằng cách bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư tư nhân có quan tâm cũng không dễ dàng, khi chưa có quy định cụ thể về chuyển nợ thành cổ phần và không được bán doanh nghiệp với giá tượng trưng.

Ông Thiên nhấn mạnh, thoái vốn nhà nước tại gần 600 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, đang hoạt động hiệu quả, hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có quy trình giám sát chặt chẽ, cách thức bán chuyên nghiệp, khung pháp lý đủ để bao quát các trường hợp và hạn chế thấp nhất kẽ hở có thể gây ra các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản nhà nước được bán ra.

Không để dồn toa

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây: “Đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Có nơi ngại không muốn làm vì sợ sai phạm”.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc “dồn toa” những tháng cuối năm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

“Kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt thì công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 về sắp xếp, đổi mới DNNN.

Theo kế hoạch, cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017, Chính phủ sẽ xem xét để chốt lại việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; hoàn thành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý tài sản vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kỳ vọng rằng, với những quy định mới từ hai văn bản quan trọng này, nhiều nút thắt trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ được xử lý. 

Tin bài liên quan