Các doanh nhân đang mạnh dạn hơn trong việc tăng đầu tư vốn để kinh doanh, mở rộng sản xuất

Các doanh nhân đang mạnh dạn hơn trong việc tăng đầu tư vốn để kinh doanh, mở rộng sản xuất

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: GDP đạt 5,8% là khả thi

(ĐTCK) Đánh giá mới nhất của Chính phủ cho thấy, mục tiêu GDP đạt 5,8% đề ra cho năm nay là khả thi, khi nền kinh tế đang bắt đầu phát đi những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn.

12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

“Dựa trên tình hình kinh tế 8 tháng và dự báo thực hiện cả năm, trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó tăng trưởng GDP đạt 5,8%, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%...”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết như vậy, khi chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra chiều 28/8.

Cũng theo ông Nên, tín hiệu đáng mừng là đến nay nền kinh tế trên đà phục hồi khá rõ nét, khi cả 3 khu vực là công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ đang tăng trưởng đều. Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, tuy đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt…

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%, ông Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thực hiện các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp.

Khẩn trương, quyết liệt tái cơ cấu DNNN theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành gắn với nâng cao chất lượng quản trị DN, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với giải quyết nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém...

“Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 này, ngoài bàn giải pháp điều hành kinh tế 4 tháng còn lại của năm nay, Chính phủ còn thảo luận định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015…”, ông Nên nói và cho biết thêm, mục tiêu tổng quát mà Thủ tướng Chính phủ định hướng trong năm tới là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược…

Theo đó, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%...

Tập trung gỡ khó cho DN

Để góp phần quyết định cho đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu GDP năm nay đạt 5,8% và năm tới là 6,2%, ông Nên cho biết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, theo hướng tạo sự thông thoáng cho người dân và DN, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính. Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng…

Cũng cần tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, gây vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Liên quan đến nỗ lực hỗ trợ cho DN đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn, Người phát ngôn Chính phủ cho biết thêm, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển.

“Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch, nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Nên, đến tháng 8/2014, bức tranh hoạt động của DN đang dần khởi sắc, khi số DN đăng ký thành lập mới khoảng 47.500 DN, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tín hiệu đáng mừng là số vốn đăng ký trên mỗi DN tăng khoảng 6 tỷ đồng. Điều này phần nào phản ánh doanh nhân đang gia tăng lòng tin, nên mạnh dạn tăng đầu tư vốn để kinh doanh, mở rộng sản xuất. Một con số đáng mừng nữa là có khoảng 10.000 DN sau khi đóng cửa, tạm ngưng hoạt động nay đã hoạt động trở lại.

Tin bài liên quan