Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tốc độ tăng thu ngân sách năm nay là hợp lý

Hôm nay, ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Một trong những nội dung được Quốc hội quan tâm là NSNN năm nay dự kiến chỉ vượt dự toán 2,3%. “Mức vượt thu này không hề thấp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Thưa Bộ trưởng, năm 2016, mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu (6,21% so với 6,7%), nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán 8,6%. Trong khi đó năm nay, tăng trưởng kinh tế chắc chắn đạt mục tiêu, nhưng thu ngân sách dự kiến chỉ vượt 2,3% dự toán?

Năm ngoái, tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai, trên cơ sở tình hình thực hiện NSNN 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV, chúng tôi dự kiến thu vượt dự toán 2,4%.

Nhưng cuối cùng thì thu vượt 8,6% dự toán nhờ tăng thu tiền sử dụng đất; cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; tăng thu từ xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu nội địa khác.

Năm nay, trên cơ sở tình hình thực hiện NSNN 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV, chúng tôi dự kiến thu vượt dự toán 2,3%. Hy vọng, cũng như nhiều năm, năm nay, số thu đạt được sẽ vượt số dự kiến.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP đạt, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch. Vì vậy, thưa Bộ trưởng, việc ước thu NSNN vượt dự toán 2,3% có vẻ hơi thấp?

Tôi khẳng định rằng, nếu năm nay ngân sách chỉ vượt thu 2,3% dự toán cũng không hề thấp. Về số tuyệt đối, nếu vượt thu 2,3% dự toán thì thực tế số vượt thu là 27.300 tỷ đồng, ước đạt 1.239.500 tỷ đồng, cao hơn số thực thu năm 2016 lên tới 138.050 tỷ đồng.

Thậm chí, trong Kỳ họp thứ hai, khi thảo luận về dự toán NSNN năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức thu theo dự toán năm nay quá cao, bây giờ dự kiến vượt dự toán 2,3% nữa thì là tăng quá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Năm nay đúng là hoạt động sản xuất, kinh doanh (mặc dù vẫn chưa hết khó khăn) có nhiều chuyển biến tích cực hơn mấy năm trước, nhưng một số ngành hàng trọng điểm có số thu lớn nhiều khả năng không hoàn thành dự toán hoặc tăng ở mức rất thấp như thu các loại thuế, phí, lệ phí từ ô tô, rượu bia, thuốc lá, viễn thông, ngân hàng, dầu khí… Vì vậy, mức thu vượt dự toán 2,3% là quá cao vì trên thực tế tăng tới 19% so với số ước thu năm 2016.

Thế về số tương đối thì sao, thưa Bộ trưởng?

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%. Như vậy, tốc độ tăng thu ngân sách năm nay so với ước thực hiện năm 2016 ở mức 10,7% là hợp lý, nhưng trên thực tế dự toán năm nay tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa tăng tới 19,5%.

Thu nội địa năm 2017, theo dự toán, nếu trừ đi một số khoản như thu từ đất đai, xổ số kiến thiết, tiền cổ tức vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại tại các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, tức là chỉ tính khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tăng 15,7% so với số thu ước thực hiện năm 2016 - tăng gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Một so sánh khác để thấy rằng số thu NSNN năm nay không hề thấp. Đó là, chỉ cần bảo đảm thu vượt dự toán 2,3% thì thu ngân sách năm nay ước tăng 10,1% so với số thực thu năm 2016, trong khi đó, năm 2016 mặc dù vượt dự toán 8,5% nhưng cũng chỉ tăng 10,4% so thực thu năm 2015.

Thưa Bộ trưởng, vấn đề là năm nay nhiều khả năng 3 khoản thu quan trọng nhất không đạt dự toán là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Thu ngân sách từ 3 khoản này có thể không đạt dự toán là do giao dự toán quá cao so với số thu ước thực hiện năm 2016. Cụ thể, năm nay số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giao tăng so với ước thực hiện năm 2016 là 9,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giao tăng 23% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh giao 23,8%.

Có thể 3 khoản này năm nay thu không đạt dự toán, nhưng so với số thực thu năm 2016 vẫn tăng đáng kể. 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2016, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 104%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 116,9% và ngoài quốc doanh bằng 123%.

Nợ đọng thuế hiện tương đương 8% tổng số thu nội địa, đây là tỷ lệ nợ đọng thuế rất cao. Vì thế, thưa Bộ trưởng, trong Kỳ họp thứ 4, chắc chắn nhiều đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến về vấn đề này?

Tính đến hết tháng 8/2017, tổng số nợ thuế là 74.127 tỷ đồng, mặc dù giảm 810 tỷ đồng so với tháng 7/2017, nhưng vẫn tương đương với 8% số thu nội địa. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ đọng thuế tương đương 8% tổng số thu nội địa là quá cao, nhưng tôi cho rằng, tỷ lệ này không hề cao nếu loại trừ các khoản không có khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, số nợ không có khả năng thu, không còn đối tượng để thu bao gồm cả tiền gốc (17.273 tỷ đồng), tiền phạt và tiền chậm nộp lên tới 28.088 tỷ đồng, chiếm tới gần 38% tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý. Nguyên nhân là do trong thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh có khởi sắc nhưng vẫn chưa hết khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tự chấm dứt hoạt động cũng không ít.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay đã có khoảng 132.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động, tự chấm dứt kinh doanh, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp không còn tài sản, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ vẫn không được vì doanh nghiệp không có nguồn tài chính để thanh toán.

Hiện ngành thuế đang quản lý khoảng 695.240 đối tượng, trong đó có 186.293 doanh nghiệp nợ thuế không có khả năng thu, nếu loại đi số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế không có khả năng thu hồi do những nguyên nhân như tôi đã nói thì tiền nợ thuế có khả năng thu hồi chỉ còn 27.913 tỷ đồng, giảm 9,5% so với 31/12/2106 và chỉ tương đương 3% tổng số thu nội địa.

Tin bài liên quan