Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Vốn đầu tư công sẽ tập trung có trọng tâm, trọng điểm”

“Vốn đầu tư công sẽ tập trung có trọng tâm, trọng điểm” là quan điểm xuyên suốt được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định tại Hội nghị phổ biến hướng dẫn Luật Đầu tư công và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dành cho các tỉnh phía Nam tổ chức đầu tuần này tại TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Vì nguồn vốn ngân sách hiện nay rất hạn chế khi mà nhu cầu đầu tư tại các địa phương rất lớn, trong khi, trần nợ công quốc gia đã gần tới ngưỡng Quốc hội quy định.

Do vậy, nguồn vốn đầu tư công phân bổ trong 5 năm tới sẽ theo 5 trình tự ưu tiên sau:

Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án PPP.

Thứ hai, vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA.

Thứ ba, trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn để giải quyết phát sinh nợ xây dựng cơ bản).

Thứ tư, vốn cho những công trình chuyển tiếp.

Cuối cùng là, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.

Do vậy, để có thể tìm nguồn vốn hỗ trợ, xu hướng phát hành trái phiếu chính phủ đang được xem xét triển khai, nhưng việc phát hành cũng phải xây dựng theo từng dự án cụ thể, trình Quốc hội xem xét và phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

Theo đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gợi ý hai phương án yêu cầu các địa phương có ý kiến là hoặc Trung ương hỗ trợ 100% vốn cho các dự án, các dự án sẽ được kiểm định, thực hiện đầu tư một cách chặt chẽ, hoặc Trung ương hỗ trợ một phần như đang làm.

Tuy nhiên, với phương án thứ hai, trong thực tế vừa qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Đó là, có nhiều địa phương muốn dự án thông qua nên đã “khai khống” vốn đối ứng (chủ yếu bằng biện pháp xã hội hóa), nhưng thực tế khi triển khai thì kết quả xã hội hóa rất thấp đã khiến công trình bỏ dở khi hết vốn ngân sách. Kết quả là, đang có nhiều ngàn tỷ đồng “chết” tại các dự án loại này.

“Do vậy, cần phân định rõ  trách nhiệm của Trung ương và của địa phương, Trung ương làm gì, địa phương làm gì và nguồn nào cần minh bạch rõ ràng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ KH&ĐT đang xem xét 4 lĩnh vực là giao thông, y tế, thủy lợi và giáo dục.

Chia sẻ quan điểm về đổi mới trong quản lý vốn trung hạn trong đầu tư công, ông Trần Văn Sơn (Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng) kiến nghị, Chính phủ nên cho địa phương chủ động phát hành trái phiếu để giải quyết kế hoạch vốn trung hạn, khi đó, Chính phủ đóng vai trò kiểm soát lộ trình trả nợ.

Ông Nguyễn Chí Hiến (Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên) lại đề xuất một hướng xử lý khác, đó là, linh động sử dụng nguồn tài chính từ chính các dự án được đầu tư (như trường hợp Dự án Lọc dầu Vũng Rô), địa phương đã sử dụng kinh phí từ tiền thuế và một số nguồn khác của doanh nghiệp để trang trải chi phí giải phóng mặt bằng.

Đại diện Sở KH&ĐT Lâm Đồng kiến nghị, với các tỉnh Tây Nguyên hiện nay nhu cầu vốn ODA rất lớn nên đề xuất cơ chế hỗ trợ riêng giúp kêu gọi thêm các nguồn vốn cho đầu tư phát triển các địa phương này theo cơ chế ngân sách hỗ trợ 100% vốn đối ứng các dự án ODA ở Tây Nguyên vì theo quy định hiện nay, vốn đối ứng các dự án ODA được Trung ương hỗ trợ 70%.

Ông Thái Văn Rê (Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM) thì cho rằng, cách xử lý phân bổ một cục đối với trường hợp 13 địa phương có dư nợ ngân sách như vừa qua là phù hợp với địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh và nhu cầu vốn lớn như TP.HCM. Theo đó, Thành phố sẽ tự phân bổ, điều chỉnh và thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên của chính Thành phố…

Trước các đề xuất trên, Bộ trưởng nêu rõ: “Quan điểm của tôi là dần đẩy mạnh vai trò chủ động nguồn vốn về các địa phương, giao một cục để các địa phương chủ động. Tuy nhiên, trước đây có thêm vòng 2 là phân bổ thêm cho các dự án trọng điểm, thì bây giờ sẽ siết lại, các địa phương phải chủ động huy động nguồn vốn. Sắp tới, dự án nào Trung ương làm sẽ làm cho đàng hoàng, cái nào của địa phương thì địa phương phải chủ động”. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khẳng định, quy định này chỉ áp dụng với những dự án mới, những dự án trước nay đang thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 1792/CT-TTg sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đối với các dự chưa triển khai, phải xem xét lại tính khả thi. “Luật Đầu tư công vừa có hiệu lực nên rất cần sự quan tâm, góp ý của các lãnh đạo địa phương các sở KH&ĐT, do vậy, trong quá trình thực hiện, các vướng mắc đề nghị gửi văn bản trực tiếp tới Bộ trưởng và Vụ Tổng hợp, tôi sẽ chỉ đạo trả lời ngay”, Bộ trưởng nói.

Tin bài liên quan