Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình với Quốc hội.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình với Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu không vi phạm quy định WTO

Giải trình với các Đại biểu về vấn đề "nóng" liên quan đến cấm, tạm ngừng xuất nhập khẩu trong Dự án Luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là không vi phạm với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các khuôn khổ hội nhập mà Việt Nam đã tham gia.

Lo vi phạm các hiệp ước quốc tế

Liên quan đến các quy định về cấm xuất nhập khẩu, nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về nội dung, tính khả thi, cũng như các hệ lụy do điều luật này mang lại nếu áp dụng và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị xem xét lại quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Tại Điều 9 dự thảo quy định áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong những trường hợp sau: Một là liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hai là gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, an toàn của người tiêu dùng. Ba là gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự xã hội. Bốn là gây nguy hại đến môi trường đa dạng sinh học, có nguy cơ cao, mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, nếu quy định như vậy thì sẽ có 2 hệ quả sau: Một là sẽ tạo ra nghĩa vụ cho nhà nước phải cấm xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa khi có một trong các trường hợp từ Khoản 1 đến Khoản 6, Điều 9 xảy ra như đã nêu; Hai là nếu chỉ quy định chung chung như vậy rất khó để xác định cơ sở hoặc tiêu chí đánh giá nguy hại nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu, nguy hại đến môi trường như một số đại biểu vừa phát biểu. Từ đó dẫn đến việc cấm xuất hoặc cấm nhập sẽ dễ bị dẫn chiếu bởi các tổ chức, cá nhân sẽ yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện nghĩa vụ này trong khi thực tế chưa cần thiết đến mức phải cấm xuất hoặc cấm nhập.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu không vi phạm quy định WTO ảnh 1

 Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị xem xét lại quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh.

"Việc thực hiện cũng cần lưu ý các biện pháp này, đặc biệt cấm nhập khẩu là biện pháp đi ngược lại với xu thế tự do hóa thương mại và được nhìn nhận trong pháp luật thương mại quốc tế hiện nay như lựa chọn cuối cùng và cần thiết khi không thể áp dụng biện pháp nào khác, để giải quyết vấn đề trong các trường hợp quy định tại các khoản từ 1 - 6, Điều 9", Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phân tích.

Theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong Dự thảo Luật thực chất là những biện pháp hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các luật về doanh nghiệp Luật đầu tư, theo đó việc hạn chế các quyền này phải được quy định bằng luật.

Còn Đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị, Dự thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích hơn nữa giữa nội dung của một số chế định trong đạo luật này với các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Quy định về hạn ngạch từ Điều 18 đến Điều 20 của dự thảo như là biện pháp hạn chế số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước thực thi nền thương mại công bằng cần thiết. Tuy nhiên, các quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch trong dự thảo còn rất chung chung, chưa đưa ra được các nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và phù hợp với các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 20 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT của WTO.

"Chúng tôi khẳng định về biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là không vi phạm với các quy định của tổ chức thương mại thế giới cũng như các khuôn khổ hội nhập mà chúng ta đã tham gia"

- Bộ trưởng Bộ Công thương
Trần Tuấn Anh.

"Về nguyên tắc, các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trong WTO, trừ một số trường hợp vì các mục đích công cộng quan trọng như bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật, bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật lịch sử, khảo cổ quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm và bảo vệ môi trường. Các trường hợp ngoại lệ nêu trên là những nội dung cam kết cần được luật hóa trong các điều khoản cụ thể quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch. Có như vậy mới bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi cho việc áp dụng và cũng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới", ông Tuấn phát biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng: "Về cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ Điều 8 đến Điều 11. Tôi thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm, ngừng xuất, nhập khẩu nhằm đảm bảo tính linh hoạt chủ động trong quản lý, điều hành phù hợp với từng thời kỳ. Tuy nhiên, tôi đề nghị xem lại Khoản 2, Điều 10 vì Khoản 1, Điều 10 đã nêu Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong khi đó Khoản 2 điều này lại quy định phải tương ứng với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là chưa phù hợp"...

Bộ trưởng giải trình với Đại biểu

Giải trình với các đại biểu Quốc hội về nội dung này, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, đây là một nội dung mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến và bày tỏ sự lo ngại do thẩm quyền, do quy trình, thậm chí là những nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện này.

"Báo cáo các vị đại biểu Quốc hội, trước tiên chúng tôi khẳng định về biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là không vi phạm với các quy định của tổ chức thương mại thế giới cũng như các khuôn khổ hội nhập mà chúng ta đã tham gia. Đây là thẩm quyền của nhà nước và chúng ta có quyền, chúng ta cần phải tổ chức thực hiện để đảm bảo lợi ích của nhà nước, lợi ích của phát triển kinh tế - xã hội cũng như lợi ích của doanh nghiệp trong hội nhập, cũng như bảo hộ trong những vấn đề khu vực trong nước, nhưng tất nhiên phải có nguyên tắc và có những lý do xác đáng", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban soạn thảo sẽ hướng tới trong dự thảo luật làm rõ hơn nữa, phân biệt rõ hơn nữa sự khác biệt giữa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu và nhập khẩu cũng như các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, đặc biệt những nguyên tắc như các đại biểu đã nêu làm sao để trong dự luật phải nêu một cách cụ thể minh bạch công khai những nguyên tắc này để các văn bản dưới luật cũng như văn bản hướng dẫn của chúng ta thực hiện có đủ cơ sở, đồng thời vẫn tránh được tình trạng có thể lạm dụng hoặc lợi dụng về cơ chế quyền lực, tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước.

"Chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể với Quốc hội sau khi tiếp thu", Bộ trưởng nói và cho biết: "Một số biện pháp liên quan đến hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong đó kể cả hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, các biện pháp quản lý theo giấy phép điều kiện theo tinh thần nguyên tắc như vừa rồi chúng tôi trình bày là chúng tôi sẽ tiếp thu bằng các vănbản mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trong các cuộc họp của tổ cũng như tại hội trường. Sẽ có làm rõ tất cả những nội dung nội hàm này mà các đại biểu đã nêu và sẽ có phương án cụ thể để tiếp thu và trên cơ sở vẫn phù hợp với các hội nhập, phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo trong xây dựng Hiến pháp cũng như định hướng trong xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta. Đặc biệt là phù hợp với những thực tiễn của chúng ta trong giai đoạn sắp tới đây khi chúng ta hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các quy định thương mại tự do mới mà chúng ta đang tham gia".

Tin bài liên quan