Dự án lấn sông đã hoàn thành hạng mục kè đá. Ảnh: Quỳnh Trần.

Dự án lấn sông đã hoàn thành hạng mục kè đá. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bộ Tài nguyên đề nghị dừng dự án công viên trái cây ở Tiền Giang

Bộ Tài nguyên cho rằng báo cáo đánh giá tác động dòng chảy sông Tiền chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến.

Ngày 1/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi công văn đến UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng thi công xây dựng dự án công viên trái cây ở huyện Cái Bè.

Theo Bộ Tài nguyên, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo huyện Cái Bè lập báo cáo đánh giá tác động cho dự án này trước khi phê duyệt dự án vào tháng 10/2016, trong đó đã đánh giá tác động dòng chảy và vận chuyển bùn cát tại khu vực. Tuy nhiên, nội dung này chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước, trong khi sông Tiền là sông liên tỉnh.

Do vậy, để đảm bảo tính khách quan, khoa học và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng, Bộ Tài nguyên đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư và các sở ban ngành liên quan tạm dừng việc thi công, xây dựng dự án công viên trái cây; rà soát công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đánh giá tác động của dự án công viên tới việc thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông. Tỉnh cũng cần rà soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước.

Chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, dự án công viên trái cây rộng gần 10 ha. Trong đó, bờ kè dài 800 m, phần lấn sông rộng gần 7 ha, vị trí xa nhất cách bờ 160 m, ước tính tổng lượng cát để san lấp khoảng 430.000 tấn. Công trình chính 54.000 m2 gồm công viên, vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam, ổi, bưởi Cổ Cò, phần còn lại là công viên cây xanh, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe…

Ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang cho hay, trước khi phê duyệt dự án vào năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cái Bè thuê đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết luận nghiên cứu đánh giá cho thấy, khu vực lân cận công trình ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy, mức dao động lớn nhất 0,15 m mỗi giây; khu lân cận công trình bồi 0,5-0,9 m mỗi năm, ở hai đầu công trình là 1,2 m mỗi năm và hiện tượng xói lở sẽ giảm sau một thời gian.

Tin bài liên quan