Tính đến hết tháng 8, lạm phát dừng ở mức 1,84% - mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 10 năm qua

Tính đến hết tháng 8, lạm phát dừng ở mức 1,84% - mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 10 năm qua

Bỏ cụm từ “kiểm soát lạm phát” trong kế hoạch kinh tế 2015

Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 dự kiến được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ngày hôm nay. Và có thể, cụm từ “kiểm soát lạm phát” sẽ không còn xuất hiện trong mục tiêu tổng quát của bản kế hoạch.

Một cách thẳng thắn, góp ý cho Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đặt câu hỏi rằng, có cần thiết nữa không đưa cụm từ “kiểm soát lạm phát” vào mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2015?

“Không lẽ, chúng ta cứ mãi phải đi kiểm soát lạm phát, chỉ cần đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là được, bởi trong nội hàm của việc ổn định kinh tế vĩ mô, cũng đã có việc kiểm soát lạm phát”, ông Hùng nói và phân tích rằng, 2 năm qua, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt và khả năng trong năm tới, cũng sẽ có kết quả tương tự. Do vậy, không cần thiết phải nhắc lại chuyện “kiểm soát lạm phát”.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và vì vậy, tính đến hết tháng 8, lạm phát mới đang dừng ở mức 1,84%, mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Con số này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là kết quả của những nỗ lực triển khai công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tăng cường quản lý thị trường. Tình hình kinh tế khó khăn, sức cầu nội địa còn yếu, người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng là một lý do khiến CPI tăng thấp.

Cũng chính bởi vậy, dù mục tiêu Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2014 đặt ra là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%, song nhiều khả năng, năm nay, lạm phát sẽ dừng ở con số 4,5 - 4,7%. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, bắt đầu từ năm 2008, khi nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong mục tiêu tổng quát của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, luôn có cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”. Thậm chí có năm, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 năm qua đều thống nhất quan điểm như vậy và đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng các đối tác phát triển, cũng như của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Cuối năm ngoái, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, đã có một sự thay đổi trong mục tiêu điều hành, khi cụm từ “kiềm chế lạm phát” được thay bằng “kiểm soát lạm phát”, nghĩa là Việt Nam xác định chủ động kiểm soát, chứ không phải là “chạy theo” để giảm tốc độ tăng giá như những năm trước.

Theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, mục tiêu điều hành năm 2015 được đặt ra là “tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”. Tuy nhiên, rất có thể sẽ có một sự thay đổi nữa. “Chúng tôi sẽ cân nhắc để bỏ cụm từ ‘kiểm soát lạm phát’ trong mục tiêu điều hành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Tất nhiên, khẳng định của người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Chính phủ, điều đó không có nghĩa chúng ta được lơ là việc thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm tới, năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, lạm phát vẫn được xây dựng ở mức dưới 7%.

“Mặc dù lạm phát vẫn đang ở mức thấp, cầu còn yếu, nên giá chưa tăng, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và điều này sẽ kích thích tiêu dùng, kích thích tăng trưởng, đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn. Do vậy đặt mục tiêu lạm phát khoảng 7% là hợp lý”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Trong khi đó, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, con số được cân nhắc cho năm 2015 là 6 - 6,2%. Đây cũng là mức mục tiêu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra trong Chỉ thị số 14/CT-TTg.

Năm 2014, mục tiêu tăng trưởng GDP được đặt ra là 5,8%. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nếu không nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kích thích tăng trưởng, thì mục tiêu này khó có khả năng đạt được.

Tin bài liên quan