Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương phủ nhận thông tin "xin xuất khẩu gạo mất 20.000 USD"

Bộ Công Thương khẳng định thông tin phản ánh việc xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD là không chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ.
Liên quan đến sự việc, ngày 23/2/2017, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TP HCM như sau: “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là mấy chục ngàn đô, rất lãng phí... Chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Bộ Công Thương đánh giá thông tin này là hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ảnh, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Bộ giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì để khẩn trương xác minh, kiểm tra và làm rõ.

Ngày 25/2, tại trụ sở Công ty TNHH ADC, địa chỉ số 93 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM, Đoàn xác minh của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty ADC.

Theo Bộ Công Thương, tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Nam khẳng định ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị/cá nhân nào tại Bộ Công Thương. Ông và Công ty cũng chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

“Ông Nam rất lấy làm tiếc vì việc phát ngôn tại buổi Tọa đàm đã gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương. Ông cho biết, với tư cách cá nhân, ông sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế”, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết.

Rà soát nội bộ của Bộ Công Thương cũng cho thấy Bộ Công Thương không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC. Công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo.   

Bộ này cho biết thêm, các cơ quan chức năng của địa phương mới là nơi thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát của doanh nghiệp. Trong trường hợp địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, việc ông Ngô Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại Tọa đàm là phải mất hàng chục ngàn USD để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương nên Bộ đã yêu cầu ông Ngô Văn Nam giải thích lại với báo chí và ông Nam đã nhận lời.

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ động đánh giá tình hình thực thi Nghị định 109/2010 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định, ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong phạm vi thẩm quyền, đã ban hành Quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp bách cho doanh nghiệp. 

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương dự thảo phương án sửa đổi Nghị  định 109/2010. Tất cả các ý kiến góp ý đã và đang được Bộ Công Thương tiếp thu nghiêm túc. Mục tiêu hướng đến là cố gắng đạt được sự cân bằng hợp lý giữa một bên là nhu cầu kiện toàn tổ chức xuất khẩu theo hướng lành mành, gắn sản xuất với tiêu thụ, ổn định đầu ra cho lúa gạo trong bối cảnh thị trường thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt, với một bên là nhu cầu phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với định hướng kiến tạo của Chính phủ và tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp.

Tin bài liên quan