Bị "treo xe" vì quy định lái xe quá 4 giờ liên tục: Các hãng taxi kêu khổ

Chỉ trong một thời gian ngắn, Sở GTVT Hà Nội đã xử phạt, thu hồi phù hiệu của 463 xe taxi do lỗi lái xe quá 4 giờ liên tục. Nhiều lái xe cho rằng cách tính thời gian giãn cách trong 4 tiếng làm việc phải đạt tối thiểu 15 phút/lần nghỉ không phù hợp với lái xe taxi.
Quy định xử phạt lái xe taxi làm việc 4  tiếng liên tục là bất cập

Quy định xử phạt lái xe taxi làm việc 4 tiếng liên tục là bất cập

1 tháng, 463 taxi bị phạt

Nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải, ngày 10-8 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã quyết định thu hồi 656 phù hiệu xe ô tô do vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, Sở thu hồi 463 phù hiệu “Taxi Hà Nội” trong thời gian 30 ngày do phạm lỗi lái xe liên tục. Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc xử lý vi phạm này căn cứ vào Thông tư số 10 của Bộ GTVT quy định: “Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng của phương tiện có từ 10% số ngày xe hoạt động, lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong ngày”. Tuy vậy, chế tài xử phạt này không nhận được sự đồng tình của các hãng taxi cũng như Hiệp hội Vận tải và lái xe. 

Một lái xe của hãng Taxi Thanh Nhàn cho biết: “Tôi bị xử phạt lỗi lái xe quá 4 giờ liên tục, bị thu hồi phù hiệu taxi trong 1 tháng. Đã là quy định thì lái xe phải chấp hành nhưng tôi thấy quy định này không phù hợp với lái xe taxi, chỉ phù hợp với lái xe khách, xe container đường dài”. Đại diện hãng Taxi Thành Công cũng cho rằng, quy định này có phần cứng nhắc. Bởi, chỉ có xe khách đường dài, xe container chở hàng đường trường mới có thời gian chạy xe quá 4 giờ liên tục, còn lái taxi trong nội thành, mấy ai chạy được “cuốc” nào dài đến thế.

Anh Nguyễn Văn Đào - lái xe hãng taxi Sao Thủ Đô than phiền: “Thiết bị giám sát hành trình (GPS) chỉ ghi nhận quãng nghỉ khi nó kéo dài tối thiểu 15 phút, các quãng nghỉ ngắn hơn không được tính. Thiết bị không thể “lắng nghe” chúng tôi giải thích trong khi cơ quan quản lý lại căn cứ vào cái máy đó để ra quyết định xử phạt”.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan kiến nghị xem xét lại cách tính thời gian lái xe liên tục và tạm thời chưa xử phạt hành vi vi phạm này cho đến khi sửa đổi quy định.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, taxi là phương tiện công cộng có lịch trình theo yêu cầu của hành khách và chủ yếu hoạt động trong thành phố với cung đường ngắn. Theo cách tính được quy định tại Thông tư của Bộ GTVT, xe taxi dù có thời gian dừng xe 14 phút nhiều lần trong khoảng thời gian 4 tiếng vẫn bị tính là vi phạm nên quy định này đã gây khó cho lái xe. Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phù hiệu 30 ngày khiến doanh nghiệp buộc phải dừng xe gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và lái xe. Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT xem xét, sửa đổi quy định bất cập này. 

Sẽ xem xét sửa đổi phù hợp thực tế

Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, chế tài nói trên được quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ban hành từ năm 2015. Sở GTVT chỉ căn cứ trên kết quả từ GPS được truyền từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Sở GTVT và xử phạt những doanh nghiệp, lái xe vi phạm. Đối với kiến nghị của các Hiệp hội Vận tải, doanh nghiệp taxi và lái xe, Sở GTVT ghi nhận và sẽ báo cáo Bộ GTVT để có hướng giải quyết phù hợp. 

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua theo dõi tình hình thực tế tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, việc bố trí điểm dừng, đỗ cho xe taxi vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc nên lái xe taxi thường có thời gian dừng đỗ chờ đón khách ngắn (nhiều lần dừng đỗ dưới 15 phút). Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phương pháp tính thời gian lái xe liên tục đối với loại hình taxi nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù và điều kiện làm việc thực tế của loại hình vận tải này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định đã ghi nhận nội dung đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Vận tải nghiên cứu trình Bộ GTVT xem xét quyết định. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm thời gian qua vẫn phải chịu hình thức xử lý theo quy định.

Tin bài liên quan