Nhận định trên được nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra tại Hội thảo Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, ngày 14/9/2019.
Năng suất lao động thấp
TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, so với các loại hình doanh nghiệp khác, năng suất lao động bình quân hàng năm/lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2014. Khoảng cách về năng suất lao động của loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp đang ngày càng nới rộng.
Chất lượng giáo dục và đào tạo cũng còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo thấp, hoặc đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2012 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần rất lớn.
65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 35%.
“Đây là yếu tố rất đáng lo ngại, vì cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung, bởi loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước là lực lượng kinh tế có số lượng doanh nghiệp đông nhất”, ông Thuật nói.
Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp không chỉ do chất lượng lao động thấp, mà còn do môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế thị trường ít nhiều còn có sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, tất yếu dẫn đến là tiền lương, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động cũng thấp nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác, đặc biệt so với doanh nghiệp nhà nước.
Số liệu năm 2014 cho thấy, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ bằng khoảng 57% thu nhập tương ứng của lao động trong doanh nghiệp nhà nước.
Định vị xu hướng phát triển của lao động
Nhóm nghiên cứu nhận định, xu hướng phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng phát triển nhanh, kéo theo xu hướng phát triển của lao động trong thời gian tới.
Dự báo, số lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ đạt khoảng 12,8 triệu vào năm 2022, 16 triệu năm 2026 và 19,4 triệu năm 2030. Tính bình quân hàng năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cầu lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tăng 733.000 lao động/năm.
Nhân tố đóng vai trò nền tảng tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển của lao động trong loại hình doanh nghiệp này là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3/6/2017.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là tình trạng thiếu hụt nhân công lành nghề.
TS. Nguyễn Văn Thuật khuyến nghị, lãnh đạo doanh nghiệp ngoài nhà nước phải coi trọng việc sử dụng lao động theo hướng thời gian làm việc của lao động là lợi nhuận, là vàng bạc của doanh nghiệp và cũng là của người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.
Nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam, PGS. TS. Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp…