Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời nêu rõ các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, thành lập ngay Tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
Theo ông Mai Đức Lộc, việc người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân, được dư luận và báo chí- truyền thông hết sức quan tâm, ủng hộ. Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tâm đắc và đề cập trong các Kỳ họp gần đây của Quốc hội.
Đồng hành với Chính phủ, thời gian qua, báo chí cả nước đã nỗ lực với tinh thần hăng hái, phấn khởi đẩy mạnh tuyên truyền công cuộc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần xứng đáng vào những thành tựu phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đã đóng góp tiếng nói đa chiều, phong phú trên tinh thần xây dựng và cổ vũ, ủng hộ việc “tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động đã “thấm” tới các bộ, ngành. Chính vì vậy, đầu tháng 2/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Nghị định 15 được đánh giá là cuộc thay đổi căn bản. Đó là thay đổi tư duy nhận thức của những người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm; thay đổi căn bản phương thức quản lý (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm); thực hiện quản lý rủi ro, nguy cơ; phương thức quản lý tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đây là những đột phá, thay đổi lớn của Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải hiểu được khái niệm thế nào là Chính phủ kiến tạo, hiểu được nội hàm của Chính phủ kiến tạo thì báo chí cũng như người dân mới hành động, theo dõi và đánh giá được.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, đầu tiên, nói đến Chính phủ kiến tạo là chúng ta phải nhìn kết quả để đánh giá, chứ không nhìn vào quy trình. Từ đó, phải thay đổi hệ điều hành. Đó là “lực đẩy” - vế kiến tạo thứ nhất.
Vế kiến tạo thứ 2, đó là lực kéo. Muốn có lực kéo thì phải có tư duy tầm chiến lược để định hướng cho quốc gia phát triển. Hiện chúng ta mới tập trung vào lực đẩy, trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn nữa vào lực kéo.
TS.Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bên cạnh việc thông tin chính xác, báo chí cũng cần hiểu được tác động của thông tin đó đối với sự phát triển của đất nước.
Theo Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, môi trường kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp, tác động của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo thể hiện rất rõ trong 2 năm vừa qua.
Đó là sự thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, vai trò của doanh nghiệp, người dân, mức độ bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, phòng phòng chống tham nhũng, cách điều hành mới.
Các đại biểu dự Diễn đàn.
Chống “lợi ích nhóm” trong truyền thông
Theo Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo, trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, các cơ quan báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tác động của công tác truyền thông.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tác động truyền thông, các cơ quan báo chí cần phải đầu tư hơn cho nội dung thông tin về các hoạt động của các cơ quan chính quyền; đồng thời đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm vững được những vấn đề chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh, không ngại va chạm.
Ông Vi Quang Đạo nhấn mạnh một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là phải chống “lợi ích nhóm” trong truyền thông. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “chống lợi ích nhóm” trong xây dựng thể chế và trong hoạt động của các cơ quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Không được cài cắm vào Luật những nội dung không vì lợi ích chung mà phục vụ lợi ích riêng cho đơn vị của mình, ngành mình hoặc nhóm người nào đó bị chi phối”. Tinh thần này của Thủ tướng cũng cần được quán triệt ngay cả trong hoạt động truyền thông chính sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của báo chí và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của báo chí.
“Phải thừa nhận rằng trong thực tế lâu nay, vẫn có những rào cản nhất định trong việc tiếp nhận và phản ánh những ý kiến từ phía người dân và doanh nghiệp. Trên thực tế, vẫn còn cơ quan trong quá trình xây dựng chính sách cũng chưa thực sự cởi mở với báo chí, chưa coi báo chí-truyền thông là một kênh thông tin hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động.
Mặt khác, một số ý kiến phản biện trên báo chí-truyền thông vẫn chưa được lắng nghe kịp thời. Tất nhiên các ý kiến phản biện có thể có lý hoặc không có lý, nhưng trong mọi trường hợp đều phải được lắng nghe và cần được phản hồi”, ông Vi Quang Đạo phát biểu.
Tạo sự đồng thuận xã hội, đóng góp xây dựng chính sách
Cũng tại Diễn đàn, nhiều nhà báo đánh giá cao việc Chính phủ tổ chức họp báo hàng tháng để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí hay việc Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo làm rõ, xử lý những vấn đề báo chí nêu; đồng thời chia sẻ về vai trò của báo chí trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động là hoạt động vô cùng thiết thực, tạo sự minh bạch thông tin, rõ ràng, cần thiết cho các cơ quan báo chí.
Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Giám đốc Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp (VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam), việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các nhà báo.
Theo ông Đồng Mạnh Hùng, để tuyên truyền tốt nhất về Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, trước hết, báo chí phải tuyên truyền cho công chúng biết được, hiểu được chủ trương của Chính phủ, qua đó tạo được sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh việc cổ vũ các bộ, ngành, những nơi làm tốt, có những sáng tạo trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, báo chí cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ về những việc làm tiêu cực hay những phân tích, đóng góp để xây dựng chính sách một cách hoàn thiện hơn. Các cơ quan báo chí cũng cần thông tin chính xác, trung thực, đấu tranh đẩy lùi những thông tin nhũng nhiễu, thiếu chính xác trên các mạng xã hội.
Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, một vai trò của báo chí đã làm nhưng thời gian qua chưa thực hiện tốt, đó là vai trò kiến tạo, góp ý cho Chính phủ xây dựng chính sách.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng: “Nếu Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động thì các nhà báo cũng phải liêm chính, kiến tạo, hành động. Nếu các cơ quan báo chí, nhà báo không có sự liêm chính, không có tri thức kiến tạo và tâm thế hành động thì không thể đồng hành cùng Chính phủ. Báo chí phải hành động, phản biện và đóng góp vào chính sách của Chính phủ tốt hơn”