Bà Victoria Kwakwa

Bà Victoria Kwakwa

Bà Victoria Kwakwa: Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn

Tại Hội thảo “Việt Nam nắm bắt cơ hội do các Hiệp định thương mại thế hệ mới”, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, hội nhập khu vực toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế VN.     
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới, nếu so với thời điểm bắt đầu quá trình đổi mới, khi Việt Nam còn bị cách li với dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế thì đến nay Việt Nam đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu và một nền kinh tế xuất khẩu không ngừng phát triển.

Xuất khẩu là động lực chính giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2000 xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo đã tăng trưởng trên 20% mỗi năm và đến nay đã đạt kim ngạch trên 100 tỉ USD. Tỷ trọng thương mại trên GDP của Việt Nam gần đạt mức 180%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Theo bà Kwakwa, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lợi thế tương đối, tiếp tục thu hút đầu tư và tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Việt Nam là 1 trong 12 nước vừa đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại toàn diện nhất từng có trong 2 thập kỷ qua- Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiếm tỷ trọng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa toàn cầu. TPP thực sự là hiệp định thương mại tham vọng nhất và toàn diện nhất từng hoàn tất từ trước đến nay. Gần đây VN đã đàm phán xong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn, đó là khai thác tối đa lợi ích do các hiệp định thương mại tự do này mang lại.

Hai hiệp định thương mại nêu trên không chỉ đề cập vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư truyền thống mà còn đề cập cả những vấn đề mới chưa được giải quyết thấu đáo trong các hiệp định ký kết trong khuôn khổ WTO như: thương mại điện tử, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hơn nữa, các hiệp định thương mại mới sẽ thiết lập các luật chơi quốc tế và các luật chơi đó sẽ có tác động mạnh hơn lên các chính sách và thể chế trong nước so với bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đã ký trước đây.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ KTTH, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, giai đoạn 2016- 2020 là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng và then chốt đối với tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế- xã hội nước ta do Việt Nam đã ký kết và sẽ sớm triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhất là Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, với các quy định điều chỉnh mang tính toàn diện, trực tiếp gắn với hoạt động kinh doanh đầu tư, điều chỉnh các quy định về lao động, môi trường, tài chính, khoa học công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về nền kinh tế số, thương mại điện tử…

Hay việc Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển Cộng đồng kinh tế ASEAN khi hình thành một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ đầu tư, vốn, và lao động có tay nghề.

Tuy nhiên, theo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu trong tương quan của 140 nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng vẫn còn ở mức hạn chế.

Trong các nước TPP, Việt Nam cũng là nước xếp hạng thấp nhất ở năng lực cạnh tranh (12/12). Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu CGI, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2014 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam  giai đoạn 2006- 2015.

Các lĩnh vực Việt Nam có thứ hạng thấp ở nửa cuối, trung bình và dưới trung bình gồm: thể chế; phát triển thị trường tài chính; đào tạo và giáo dục sau tiểu học; cơ sở hạ tầng; trình độ kinh doanh; sẵn sàng công nghệ; đổi mới sáng tạo.

Chính vì thế, bà cho rằng trước những yêu cầu của hội nhập quốc tế và bối cảnh trong nước, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn.

Đó là thách thức trong việc thực thi các chuẩn mực cao gắn với vai trò Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công như thực hiện quy định cam kết quốc tế về mua sắm công, về doanh nghiệp nhà nước, hay yêu cầu chuẩn mực đối với tính nhất quán, minh bạch và dễ dự báo của chính sách và các quy định pháp luật.

Ngoài ra, thách thức từ xu hướng tự do hóa, hội nhập và liên kết quốc tế: thị trường vốn, lao động, sở hữu trí tuệ; Thách thức về phát triển bền vững và từ cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới.

Đứng trước những thách thức trên, theo bà cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế. Tập trung cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đồng thời tăng cường hiệu quả của các cơ quan nhà nước, bộ ngành và chính quyền địa phương.

Tin bài liên quan