APEC CEO Summit 2017 sẽ bàn về tương lai của toàn cầu hóa

APEC CEO Summit 2017 sẽ bàn về tương lai của toàn cầu hóa

Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) 2017 sẽ bắt đầu với phiên thảo luận về tương lai toàn cầu hóa.

Thác thức toàn cầu hóa

Phiên thảo luận về Tương lai toàn cầu hóa sẽ mở đầu 3 ngày làm việc của APEC CEO Summit 2017, tập trung vào những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Diễn giả chính là những nhân vật tên tuổi của các tổ chức đại diện cho xu hướng toàn cầu hóa. Đó là ông Roberto Azevêdo, Tổng giám đốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB); ông Philipp Rösler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Ông Robert E. Moritz, Chủ tịch toàn cầu, PwC và ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia cũng là những diễn giả được chờ đợi.

Đây là phiên được chờ đợi khi vài ngày trước, bên lề Hội nghị Tổng kết Quan chức cao cấp (CSOM) diễn ra trong hai ngày 6-7/11 tại Đà Nẵng, ông Raul Salazar, Trưởng đoàn các quan chức cao cấp (SOM) APEC 2017 của Peru cho biết, tại APEC lần này, các thành viên liên quan sẽ có các cuộc họp bàn về TPP 11 và đã có nhiều tín hiệu tích cực đảm bảo cho thành công của cuộc họp về TPP này.

“Chúng ta sẽ tìm ra cách để kiên định với các mục tiêu và thành công cùng nhau. Ở TPP, không có riêng một thành viên nào là quá quan trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau. Peru sẽ ở lại TPP đến cùng”, ông Raul khẳng định.

Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng không đứng ngoài mối quan tâm này, cho dù thành viên APEC này đã rút lui khỏi TPP.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Việt Nam (VBS) diễn ra ngày 7/11, bà Virginia B. Foote, Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho biết đang theo dõi các cuộc làm việc liên quan đến TPP.

“Tôi cho rằng sự thành công của TPP 11 có thể là sự khởi đầu cho TPP 12 hay TPP 13. Vì vậy, tôi rất mong sẽ có những tín hiệu tốt cho TPP 11”, bà  Virgina bày tỏ.

Cũng trong buổi làm việc đầu tiên, lực lượng lao động trong tương lai cũng được bàn đến, tập trung vào vai trò của chính phủ và các công ty trong việc đảm bảo rằng người lao động khoẻ mạnh, được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai.

CEO Việt Nam góp mặt

Trong phiên này có sự tham gia thảo luận của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group, cùng với ông Masamichi Kono, Phó tổng thư ký, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Aran Maree, Giám đốc phụ trách Y tế, Công ty Dược phẩm Janssen thuộc Johnson&Johnson, ông Nicolas Aguzin, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc

Trong chương trình làm việc của APEC CEO Summit 2017, còn có 2 doanh nhânkhác của Việt Nam tham gia các phiên thảo luận với các CEO toàn cầu.

Đó là bà Duong Thi Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup tham gia phiên thảo luận những nhân tố tạo việc làm mới và bà Nguyễn Thị Phương ThảoTổng giám đốc Vietjet Air tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến Kết nối để tăng trưởng, các định hướng hiệu quả có thể thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua liên kết toàn cầu, kết nối khu vực và kết nối trong nước gắn liền với thương mại và kinh doanh.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk tham gia thảo luận về vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững

Cũng trong lịch trình, hướng đi tương lai của tự do hóa thương mại - những vấn đề nào cần được giải quyết và các hiệp định thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng bao trùm như thế nào; kỷ nguyên số; chuỗi giá trị toàn cầu cũng là những chủ đề chính sẽ được thảo luận. 

Tin bài liên quan