Vì sao ông lại cho rằng, việc áp dụng đại trà HĐĐT cũng không thể ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế?
Cả nước hiện có khoảng 2.700 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT và 240 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã xác thực, còn lại sử dụng hóa đơn truyền thống (gồm hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in và “hóa đơn đỏ” mua của cơ quan thuế).
Chưa nói tới hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, ngay cả “hóa đơn đỏ” được cơ quan thuế kiểm soát rất chặt chẽ cũng không ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Lý do là, sau khi mua hóa đơn đỏ, doanh nghiệp viết gì trên tờ hóa đơn; xuất hóa đơn có xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay không; giá hàng hóa, dịch vụ thực tế thanh toán có ghi đúng như trên hóa đơn hay không… thì cơ quan thuế không thể kiểm soát ngay được.
Vì thế, khi hầu hết doanh nghiệp sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy, thì cũng không thể ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Chúng tôi chỉ khẳng định rằng, sử dụng HĐĐT góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Như ông nói, “hóa đơn đỏ” còn không ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế thì HĐĐT góp phần ngăn chặn thế nào?
Theo quy định hiện hành, hàng tháng hoặc hàng quý, doanh nghiệp phải lập bảng kê hóa đơn sử dụng gửi cơ quan thuế. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp có thể sử dụng hàng ngàn tờ hóa đơn, nhất là hóa đơn tự in hoặc đặt in, doanh số ghi trên hóa đơn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Khi cơ quan thuế phát hiện ra gian lận thì doanh nghiệp đã “cao chạy, xa bay”.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, cơ quan công an mới điều tra xong một vụ trốn thuế, nhiều vụ, điều tra xong, khởi tố vụ án, khởi tố bị can cũng không thu hồi hết tiền thuế mà doanh nghiệp chiếm đoạt vì đối tượng đã chi tiêu hết.
Nhưng khi sử dụng HĐĐT, ngay sau khi giao dịch mua - bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bên bán xuất hóa đơn cho bên mua, thì hóa đơn đã được thể hiện ngay trên hệ thống của cơ quan thuế. Cơ quan thuế xác định được ngay giao dịch đã diễn ra và ngay lập tức phát hiện ra gian lận.
Ví dụ, doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới thành lập mà trong thời gian ngắn phát hành lượng hóa đơn rất lớn hoặc bán ra, mua vào giá trị hàng hóa, dịch vụ lớn bất thường, thì ngay lập tức cơ quan thuế đưa vào dấu hiệu nghi ngờ và sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc rà soát, đối chiếu hồ sơ giao dịch cũng như kiểm tra lại quá trình chấp hành chính sách thuế của doanh nghiệp.
Nếu phát hiện gian lận, cơ quan thuế lập tức áp dụng các biện pháp thu hồi, không cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng HĐĐT, chứ không phải chờ đến cuối tháng, cuối quý khi doanh nghiệp nộp bảng kê hóa đơn sử dụng, cơ quan thuế mới tiến hành rà soát, đối chiếu.
Đối với doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, ngay lập tức, cơ quan thuế dừng HĐĐT, nên không có cơ hội gian lận thuế, trốn thuế.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định xây dựng nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó có quy định, kể từ ngày 1/7/2019 bắt buộc phải sử dụng HĐĐT?
HĐĐT ưu việt hơn hóa đơn giấy rất nhiều, mang lại rất nhiều lợi ích, tiện ích cho doanh nghiệp, người bán hàng, người mua hàng, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước… Trong đó, việc góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế chỉ là một trong những ưu việt của HĐĐT.
Riêng với doanh nghiệp, sử dụng HĐĐT sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Khi sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị ban đầu để có thể kết nối với cơ quan thuế hoặc phải trả phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế hoặc phải trả phí cho cơ quan thuế nếu sử dụng HĐĐT có mã xác thực, nhưng vẫn giảm được 40 - 60% so với chi phí sử dụng hóa đơn giấy truyền thống.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, trong 9 tháng đầu năm đã xuất gần 440 triệu hóa đơn, mỗi hóa đơn 3 liên, nếu sử dụng hóa đơn giấy thì phải in ra trên 1,3 tỷ tờ hóa đơn với chi phí rất lớn.
Chính vậy, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước cũng là một trong những lý do quan trọng để ngành thuế quyết định kiến nghị “xóa sổ” hóa đơn giấy kể từ ngày 1/7/2019.
Mới có 3.000 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT trong tổng số 650.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, việc đặt mục tiêu đến ngày 1/7/2019 áp dụng đại trà HĐĐT có tham vọng quá không, thưa ông?
Muốn áp dụng đại trà HĐĐT, ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phải đáp ứng được 3 điều kiện: công nghệ thông tin phải đáp ứng được, không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng; sự sẵn sàng của cơ quan thuế; sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Cả 3 điều kiện này hiện nay đã đủ.
Đối với công nghệ thông tin, hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ 4G, tiến tới 5G, sóng điện thoại di động đã phủ khắp cả nước và gần như ít khi xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Hiện đã có 98 - 99% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng, đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, tức là doanh nghiệp đã sẵn sàng sử dụng HĐĐT.
Còn đối với cơ quan thuế, để thực hiện triển khai HĐĐT phải đầu tư thiết bị, công nghệ, đáp ứng yêu cầu truyền - nhận dữ liệu của doanh nghiệp. Vấn đề này chúng tôi đã có giải pháp là, bên cạnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện có, sẽ xã hội hóa, tức là “mở cửa” cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian được tham gia xác thực HĐĐT.