Với hóa đơn điện tử, nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp lúng túng là khó tránh

Với hóa đơn điện tử, nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp lúng túng là khó tránh

Áp dụng hóa đơn điện tử: Còn nhiều băn khoăn

(ĐTCK) Đã có nhiều điểm mới tại Dự thảo Nghị định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn đang được lấy ý kiến và hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua, trước khi đưa vào áp dụng từ năm 2018, song đây cũng là điều khiến các doanh nghiệp băn khoăn.

Góc nhìn nhà quản lý: Nhiều ưu điểm

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, Dự thảo Nghị định mới sẽ có nhiều thay đổi so với các quy định cũ tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP như mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn nhằm khuyến khích DN và xã hội sử dụng hóa đơn điện tử…

“Theo lộ trình dự kiến, từ năm 2018, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh mới thành lập sẽ không đặt in hóa đơn. Thay vào đó, cơ quan thuế đặt in hóa đơn hoặc tự in hóa đơn để bán/cấp trong một số trường hợp. Đồng thời, khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử thì không áp dụng hóa đơn giấy; khi sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện một thủ tục duy nhất là đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc thông báo sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế…” bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, việc áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có 3 điểm lợi lớn so với hình thức hóa đơn in hiện nay, đó là giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế nhờ giảm thời gian doanh nghiệp phải đăng ý sử dụng hóa đơn, không phải làm thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành hóa đơn, không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn…

Bên cạnh đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp nhờ giảm các chi phí giấy, in ấn vận chuyển, đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn, giảm được thời gian tuân thủ pháp luật thuế. Một ưu điểm đáng chú ý khác là hóa đơn điện tử sẽ giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn do có tính bảo mật cao nhờ sử dụng chữ ký số.

“Những lợi ích này sẽ góp phần giảm thời gian, chi phí và công sức của doanh nghiệp, phù hợp với bối cảnh phát triển thương mại điện tử trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn”, bà Hà chia sẻ.

Không ít băn khoăn từ doanh nghiệp

Mặc dù được cơ quan thuế đã chỉ ra nhiều ưu điểm, song tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, cũng như các chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả, cũng như thời gian áp dụng của hóa đơn điện tử.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, quản lý tiền phải luôn đi đôi với hàng hóa. Bởi đây là kẽ hở rất dễ bị lợi dụng để một số doanh nghiệp có hành vi buôn lậu, trốn thuế, gian lận có thể hợp thức hóa chứng từ hóa đơn.

“Hiện nay, khó khăn nhất là chưa quản lý được tiền theo luồng hàng đi theo chứng từ. Thực tế, đã có nhiều trường hợp hóa đơn và tiền hàng có thể là thật, song hàng hóa lại xuất phát từ nguồn bất hợp pháp như xăng dầu nhập lậu, xi măng, thép trộm cắp... Nếu dùng hóa đơn điện tử mà không khắc phục được tình trạng này thì vẫn rất dễ tạo kẽ hở cho việc hợp thức hóa buôn lậu, gian lận thương mại”, bà Cúc cảnh báo.

Bên cạnh đó, theo đại diện Hội Tư vấn thuế, thời gian áp dụng ngay từ năm 2018 là quá gần, sẽ khiến hệ thống cơ sở hạ tầng của cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp chưa chuẩn bị đầy đủ, dẫn tới việc áp dụng sẽ lúng túng, khó khăn.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn thuế C&A cho rằng, nên lùi thời điểm áp dụng đến cuối năm 2019, hoặc đầu 2020.

“Doanh nghiệp lớn thường có nhiều nhà cung cấp và khách hàng, nên cần cho họ áp dụng thử nghiệm hóa đơn điện tử để làm quen, nhằm đảm bảo khi vận hành chính thức sẽ hạn chế tối đa trục trặc, gây ảnh hưởng tới giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp”, bà An gợi ý.

Cũng theo bà An, khi áp dụng hóa đơn điện tử, bản thân các cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm liên thông dữ liệu hóa đơn cùng cơ quan thuế để đảm bảo đồng bộ dữ liệu, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thồi ngược”.

Tin bài liên quan