Theo ANZ, Việt Nam sẽ thu được lợi ích từ toàn cầu hóa, trở thành trung tâm sản xuất của thế giới

Theo ANZ, Việt Nam sẽ thu được lợi ích từ toàn cầu hóa, trở thành trung tâm sản xuất của thế giới

ANZ: Kinh tế 2017 lạc quan

(ĐTCK) Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cùng với nhiều dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức lãi suất như hiện tại (6,5%/năm), một báo cáo về kinh tế vĩ mô vừa được ANZ công bố nhận định, lãi suất sẽ giảm xuống 6%/năm vào cuối tháng 3 tới và đưa ra dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN của ANZ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có đủ dư địa để duy trì mức lãi suất thấp mà không lệ thuộc vào yếu tố lạm phát.

Theo bà Eugenia Victorino, nguyên nhân khiến lạm phát tăng trong 2 tháng qua chủ yếu là do 2 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong 6 tháng cuối năm 2016 tác động, dự báo “dư âm” còn tiếp diễn nhưng sẽ kết thúc trong quý IV/2017. Còn các yếu tố chính gây ra áp lực lạm phát cơ bản/lạm phát lõi là không đáng kể.

ANZ kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng những chính sách thiên về tăng trưởng, đồng thời kiểm soát lãi suất ở mức thấp, mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 được ANZ nhận định tăng trưởng cao hơn so với năm 2016, cụ thể ở mức 6,4%. ANZ đã trao đổi với các chuyên gia trong ngành nông nghiệp và tin tưởng, năm nay sẽ không hạn hán, lượng mưa tốt hơn, vụ mùa đã gieo trồng dự kiến thu hoạch cao. Năm ngoái, hạn hán là một trong những yếu tố chính khiến tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp âm.

Với lĩnh vực công nghiệp, mặc dù có thể có nhiều rủi ro hơn với tiến trình toàn cầu hóa, nhưng ANZ tin rằng, Việt Nam vẫn dẫn đầu làn sóng công nghiệp hóa cuối cùng ở Đông Nam Á và đi đầu trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trong tiến trình công nghiệp hóa.

Theo bà Eugenia Victorino, cơ hội được mở ra cho Việt Nam nhờ các tuyến hành lang vận tải quan trọng kết nối với nhiều quốc gia được đầu tư mở rộng thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong thập niên 90. Cụ thể, Việt Nam kết nối Trung Quốc, Ấn Độ với những nước còn lại trong khu vực ASEAN. Với vị trí địa lý quan trọng cùng với tiến trình công nghiệp hóa đang diễn ra, Việt Nam sẽ trở thành đầu mối quan trọng kết nối những nền kinh tế ngoại vi với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đồng thời với đó, cơ hội đến với Việt Nam từ việc đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu cũng như các mặt hàng xuất khẩu, không quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu nào.

“Điều này tạo ra bước đệm tốt, giúp Việt Nam tránh được những tổn thương, cú sốc từ bên ngoài khi một thị trường nào đó có vấn đề”, bà Eugenia Victorino nói.

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á - ANZ nhận định, việc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đẩy nhanh, cùng với việc phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, Việt Nam vẫn gặt hái được lợi ích từ toàn cầu hóa, dịch chuyển mô hình tăng trưởng, trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.

Dự báo duy nhất của ANZ tạm cho là không tích cực đối với kinh tế Việt Nam, đó là sự mất giá 2% của VND, ở mức 23.200 VND/USD vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, dự báo này được ông Khoon Goh cho biết, không liên quan đến những dự báo tiêu cực và rủi ro liên quan đến Việt Nam. Nguyên do VND mất giá là USD tiếp tục mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, đồng thời Chính phủ Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất). Theo đó, các đồng tiền khác đương nhiên bị mất giá so với USD.

Bà Eugenia Victorino nhấn mạnh: “ANZ đưa ra những dự báo khá lạc quan về tốc độ cải thiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Quan trọng là mô hình tăng trưởng bền vững được duy trì trong tương lai thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được bất kỳ rủi ro nào đối với nền kinh tế”.

Tin bài liên quan