Ám ảnh đánh đổi môi trường và tăng trưởng

Ám ảnh đánh đổi môi trường và tăng trưởng

Cá đã chết hàng loạt không chỉ ở biển, mà cả ở sông; tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải… cũng đã lên đến mức báo động. Chính vì thế, chưa bao giờ, câu hỏi về sự đánh đổi giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế lại ám ảnh dư luận đến vậy.     

Ám ảnh vì hình ảnh những lồng bè nổi đầy cá chết. Ám ảnh vì những bãi biển dài và đẹp ở khu vực miền Trung bỗng nhiên nổi đầy xác cá. Nhưng không chỉ là cá chết, mà đằng sau đó là sinh kế, là cuộc sống và nguy hại hơn là sinh mạng con người. Đó mới chính là điều khiến dư luận ám ảnh hơn cả.

Sẽ thật là bất nhẫn để nói rằng “trong rủi có may”, nhưng đúng là đằng sau câu chuyện cá chết, đã đến lúc không chỉ cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, mà cả người dân cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm đau đớn. 

Có vị chuyên gia đã nói rằng, bản chất của kinh tế học là đánh đổi, chúng ta không thể có tất cả, mà phải lựa chọn cái này và chấp nhận mất những cái khác. Vấn đề là lựa chọn như thế nào để đạt được hiệu quả lớn nhất, được nhiều hơn mất. Vậy chúng ta đã đánh đổi như thế nào?

Bao lâu nay, mỗi khi nói đến sự đánh đổi, dư luận vẫn nhắc đến một bài học nhãn tiền là Trung Quốc. Rằng hãy xem Trung Quốc đã trả giá như thế nào về môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng bây giờ thì thậm chí không cần nhắc tới Trung Quốc, Việt Nam chính là một bài học. Chúng ta cũng đang phải trả giá về môi trường trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua chưa đạt như kỳ vọng.

Không bao giờ là quá muộn cho các hành động chính đáng. Dù là bất nhẫn vẫn phải nói câu “trong rủi có may” để thấy rằng, hãy nhân cơ hội này để xem lại các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững một cách đầy đủ và nghiêm túc. Chúng ta đang hướng tới phát triển bền vững và Chính phủ cũng đã nhất quán quan điểm “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường”, nhưng quan trọng là thực thi thế nào.

Chưa cần nói tới các mục tiêu quá xa, hãy bắt đầu bằng việc thẩm định, xem xét kỹ các tác động tới môi trường, tới sinh kế người dân khi thực hiện các dự án đầu tư. Việc này xưa nay vẫn được thực hiện và đã có chính sách pháp luật quy định rõ, song ở không ít địa phương, vì tư duy nhiệm kỳ, vì bệnh thành tích nên đã đua nhau trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư, chấp nhận cả các dự án công nghệ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, lơ là đánh giá tác động môi trường.

Đã đến lúc không thể kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Thẩm định kỹ dự án đầu tư là một chuyện, phải quan tâm nhiều hơn tới hậu kiểm, nhất là vấn đề môi trường. Không chỉ là cơ quan quản lý hậu kiểm, mà sự giám sát từ cộng đồng, từ người dân cũng vô cùng quan trọng.

Đã đến lúc không thể chấp nhận trả giá bằng môi trường, bằng sinh kế và thậm chí là sinh mạng người dân chỉ vì một dự án nào đó.  Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, mỗi khi có các vụ việc lùm xùm liên quan đến ô nhiễm môi trường, dư luận lại hướng ngay tới các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bất kỳ nhà máy nào, nhà đầu tư nào cũng có nguy cơ gây tổn hại tới môi trường, chứ không chỉ là doanh nghiệp FDI.

Lời cảnh báo ô nhiễm từ các làng nghề là một ví dụ điển hình. Bởi thế, không thể phiến diện mãi và chỉ chỉ trích khu vực FDI. Các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh nói chung của tất cả doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, hình thức sở hữu đều phải được quan tâm đúng mực, để làm sao vừa mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nâng cao đời sống kinh tế của người dân, mà vẫn bảo vệ được môi trường, bảo vệ sinh kế cho người dân.

Một bài toán không dễ giải. Nhưng kể cả khi đánh đổi là bản chất của kinh tế học đi chăng nữa, thì đã đến lúc không thể mãi dễ dãi với những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Bởi nếu vậy, sự đánh đổi ấy là không đáng.

Tin bài liên quan