Trường Hải đang tạo ra gần 30.000 việc làm trong sản xuất ô tô

Trường Hải đang tạo ra gần 30.000 việc làm trong sản xuất ô tô

4 nhóm giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước

Với mốc thời điểm năm 2018 đã tiến rất gần và thực tế chuyển hướng sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đang diễn ra mạnh mẽ gần đây, câu chuyện chính sách nào cho phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hậu 2018 lại trở nên nóng bỏng.

Việc làm cho người Việt

Năm 2016, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã bán được 112.874 xe. Trong đó, khối xe du lịch với các thương hiệu Kia, Mazda hay Peugeot là 65.748 xe và khối xe thương mại gồm xe tải, xe bus là 47.099 xe. Doanh thu năm 2016 của Thaco đạt 65.000 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ khối xe du lịch là hơn 38.000 tỷ đồng.

Với mức tỷ lệ nội địa hóa của xe con đạt được bình quân từ 15-18% và xe thương mại là 50%, giá trị nội địa hóa mà Thaco đạt được do sử dụng các linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam vào khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 650 triệu USD).

Dĩ nhiên, nếu Thaco không cố gắng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam, 15.000 tỷ đồng này sẽ được nhập khẩu, tạo nguồn thu cũng như công ăn việc làm cho lao động của các nước khác, chưa kể phải lo ngoại tệ để nhập khẩu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa đơn thuần.

Rất tâm tư với đánh giá “tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, bình quân đạt 7-10%” của cơ quan chức năng, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay, làm ô tô, nhất là xe du lịch rất khó. Dù mức nội địa hóa hiện tại mà Thaco đang đạt được như đánh giá của cơ quan hữu trách là 15-18% với xe du lịch và 50% với xe thương mại, nhưng với sản lượng ô tô lớn, doanh thu cao, đã có rất nhiều công ăn việc làm trong khâu sản xuất được tạo ra ngay tại Việt Nam.

Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải của Thaco tại Quảng Nam hiện có gần 9.000 lao động trực tiếp trong khâu sản xuất, trong tổng số 16.400 người của toàn Công ty.

Nếu tính thêm 22.000 lao động của 288 nhà cung cấp linh phụ kiện là vệ tinh của Thaco thì chỉ riêng khâu sản xuất đã có cỡ 30.000 lao động có công ăn việc làm.

Dĩ nhiên không chỉ có mình Thaco dốc sức nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam, nội địa hóa cũng đã được các doanh nghiệp ô tô có vốn từ trong và ngoài nước triển khai với mức độ và quy mô khác nhau.

Tại Toyota Việt Nam, đã từng có sản phẩm xe 7 chỗ Innova đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 37% vào năm 2009. Tuy nhiên, do chính sách thực tế tại Việt Nam và sự đa dạng của các cơ sở sản xuất mang thương hiệu Toyota ngay trong khu vực ASEAN – nơi mà thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ về 0% vào năm 2018, khiến cho câu chuyện nội địa hóa của doanh nghiệp trên đất Việt không có những động thái mạnh mẽ.

Hay nhập khẩu…

Hồi đầu năm nay, mẫu xe Fortuner vốn được Toyota Việt Nam lắp ráp từ năm 2009 đã được chuyển sang nhập khẩu từ Indonesia với mức thuế 30%, dù thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp chỉ có 5%.

Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita tại cuộc tọa đàm về phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam vừa diễn ra chiều 28/2, đã cho hay, Toyota Việt Nam đã phải thu hẹp các dòng xe được sản xuất tại Việt Nam. Nếu như trước đây có 5 dòng xe được sản xuất tại Việt Nam thì từ năm 2017, Toyota Việt Nam chỉ còn sản xuất 4 dòng xe với sản lượng sản xuất chung là 50.000 xe/năm.

4 nhóm giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước ảnh 1

Toyota Fortuner được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia 

“Toyota Việt Nam sẽ cân nhắc việc sản xuất từ 4 mẫu xe hiện nay xuống chỉ còn 2-3 mẫu xe thôi và sẽ tập trung công suất để tăng được sản lượng của từng mẫu xe tại Việt Nam”, ông Toru Kinoshita nói.

Tương tự, tại Honda Việt Nam, mẫu xe Civic được lắp ráp tại Việt Nam trong 10 năm qua cũng đã chuyển thành nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Đại diện Honda Việt Nam cũng cho hay, muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam nhưng khó khăn vì thị trường nhỏ, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển và chính sách chưa rõ ràng.

“Căn cứ bối cảnh thị trường, từ nay tới năm 2018, Honda Việt Nam sẽ tập trung sản xuất mẫu xe City và CR-V, còn lại các mẫu xe khác đang bán sẽ được nhập khẩu”, đại diện này cho hay.

Nói về thực tế này, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cũng cho hay, theo phân tích của VAMA thì giá xe ở Việt Nam cao hơn các nước ASEAN khác khoảng 20%.

“1/3 sự chênh lệch này đến từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu và điều này đã được Bộ Tài chính xem xét khi thay đổi lại cách tính từ năm ngoái. Trong những tác động còn lại có việc tính thuế linh kiện. Các doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu linh phụ kiện từ những nước ngoài ASEAN nên không được hưởng các mức thuế ưu đãi cho nội khối, trong khi các nước ASEAN khác có nền sản xuất phát triển, tuy họ cũng vẫn nhập khẩu linh kiện tương tự như động cơ từ ngoài ASEAN về nhưng do sản xuất trong nước đạt tỷ lệ trên 40% nên hưởng được ưu đãi thuế khi xuất khẩu xe sang Việt Nam, có lợi hơn sản xuất lắp ráp tại Việt Nam”, ông Dũng nhận xét và cho biết, Bộ Tài chính cần có chính sách cụ thể hơn với các linh kiện nhập khẩu từ ngoài ASEAN về mới mong sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh được với hàng sản xuất tại ASEAN và xuất khẩu sang Việt Nam.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita cũng cho hay, các thành viên VAMA cũng muốn phát triển sản xuất trong nước nhưng khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, lượng xe nhập khẩu sẽ tăng  nhiều, bởi vậy, một số thành viên của VAMA sẽ không tồn tại được.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công thương đã đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước với ngành ô tô. Trong đó đáng chú ý là việc nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước).

“Trong điều kiện thực tế, đây có thể là biện pháp hữu hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hoài nói.

Có một thực tế là trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang thảo luận và nghiên cứu những chính sách cụ thể hơn nhằm thúc đẩy sản xuất ô tô tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, thay vì dồn sức cho nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc thì thị trường không đợi chờ.

Theo thống kê Hải quan, trong tháng 1/2017, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước. Như vậy, chỉ trong 1 tháng đầu năm này, lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ này đã bằng 45% lượng nhập của cả năm 2016. Nguyên nhân một phần do từ ngày 01/01/2017 thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30%.

Dĩ nhiên tới năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN tiếp tục về thẳng 0%.

4 nhóm giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô

Nhóm 1: Tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước (khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho thị trường xe ô tô trong nước):

Có các biện pháp hợp lý tạo điều kiện cho thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận tỷ lệ nội địa nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan.

Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước (có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước).

Nhóm 2: Hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh:

- Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng, hài hòa hóa tiêu chuẩn;

- Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký;

- Nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước) để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Nhóm 3: Phát triển công nghiệp hỗ trợ:

- Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng.

Hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.

- Thu hút đầu tư FDI các Tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới.

Nhóm 4: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN.

Tin bài liên quan