3 vấn đề cần giải quyết để tăng năng suất lao động

3 vấn đề cần giải quyết để tăng năng suất lao động

Năng suất lao động là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 vào đầu tuần này. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, năng suất lao động đang thay thế vốn và tài nguyên, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Năng suất lao động năm 2017 tăng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%). Theo ông, đây có phải là thành tích đáng ghi nhận?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, nền kinh tế không thể phụ thuộc vào vốn đầu tư, tài nguyên khoáng sản và lực lượng lao động giá rẻ dồi dào, mà phụ thuộc vào năng suất lao động.

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 3,8% Singapore; 17,4% Malaysia; 36,6% Thái Lan; 51,8% Philippines và 50,2% Indonesia). Vì vậy muốn phát triển kinh tế phải có kế sách tăng năng suất lao động.

Năm 2017, năng suất lao động tăng 5,87%, cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 5,29%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động cao của năm 2017 không bền vững, bởi đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng năng suất lao động chung là từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (nông nghiệp). Cụ thể, năm nay, lĩnh vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, thay vì chỉ tăng 1,36% của năm 2016.

Như vậy có thể hiểu, muốn tăng năng suất lao động chung thì phải tăng năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp, thưa ông?

Lao động trong khu vực nông nghiệp và lao động phi chính thức có năng suất thấp hơn rất nhiều so với khu vực công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp; lao động ở khu vực phi chính thức thấp hơn rất nhiều so với lao động ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động).

Nhưng điều đáng nói là dù có muốn thì tốc độ tăng năng suất lao động khu vực nông nghiệp cũng không thể cao được vì phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết, sự biến đổi của khí hậu, thị trường xuất khẩu nông sản. Tương tự, rất khó tăng năng suất lao động ở khu vực phi chính thức vì thị trường lao động ở khu vực này rất bấp bênh, hoạt động theo mùa vụ.

3 vấn đề cần giải quyết để tăng năng suất lao động ảnh 1

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Vì vậy, muốn tăng năng suất lao động, theo tôi, thứ nhất cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; từ phi chính thức sang chính thức.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động đi đôi với việc nâng cao ý thức làm việc, kỷ luật lao động theo tác phong công nghiệp cho người lao động.

Thứ ba, đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất phù hợp theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Trong 3 vấn đề trên, muốn tăng năng suất lao động nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực thì vấn đề nào là khó nhất?

Đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại không khó, vì cùng với sự gia tăng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ hiện đại sẽ được đầu tư. Còn khu vực kinh tế trong nước, trước sức ép cạnh tranh ngày càng dữ dội, để tồn tại, buộc phải đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Đào tạo, đào tạo lại cũng không khó lắm, hầu như năm nào ta cũng hoàn thành chỉ tiêu này, như năm 2017, đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo là 55-57%, thì đã đạt 56%.

Như vậy, cốt lõi của vấn đề là phải chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phi chính thức sang chính thức.

Ông có cho rằng, khu vực nông nghiệp và phi chính thức là nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực?

So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước là khập khiễng, vì nếu tách bạch ra từng ngành, từng lĩnh vực thì năng suất lao động của nhiều ngành không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn các nước trong khu vực như lĩnh vực chế biến, chế tạo; điện tử, công nghiệp phần mềm; công nghệ thông tin; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan… là do tỷ lệ lao động nông nghiệp và phi chính thức quá lớn. Cụ thể, tính đến đầu quý III/2017, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 53,52 triệu người, trong đó, 40,4% làm việc ở khu vực nông nghiệp.

Trong khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ) thì tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm 57%. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức hiệu quả thấp, năng suất thấp là nguyên nhân kéo lùi năng suất lao động chung của Việt Nam.

Một điều tra cho thấy, doanh nghiệp luôn tìm cách sa thải người lao động trên 35 tuổi. Người lao động đang làm việc cho khu vực chính thức, khu vực phi nông nghiệp, khi bị sa thải họ buộc phải quay trở lại khu vực nông nghiệp và phi chính thức, thưa ông?

Tôi không biết cuộc điều tra, khảo sát này thực hiện ở đâu, quy mô cỡ nào, còn điều tra, khảo sát của tôi về vấn đề này tại TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh và Cần Thơ với mẫu điều tra, khảo sát đủ lớn, đủ đại diện phản ánh tình hình sa thải lao động không thấy hiện tượng chủ doanh nghiệp tìm cách sa thải người lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ.

Theo Tổng cục Thống kê, không kể doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cấp phép mới, đầu tư tăng vốn cần lao động, chỉ riêng 94.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm đã cần thêm khoảng 886.000 lao động; trong quý III/2017 có 15,8% số doanh nghiệp tăng quy mô lao động; 72,8% giữ ổn định quy mô lao động.

Trong quý IV/2017, 19,3% số doanh nghiệp dự kiến tăng mô lao động; 73,5% giữ ổn định quy mô lao động.

Cầu lao động rất lớn, nếu doanh nghiệp nào đó cố tình sa thải người lao động lớn tuổi chắc chắn sẽ không thu hút được lao động, nếu có thu hút được phải trả mức thu nhập thỏa đáng sẽ làm giảm sức cạnh tranh.

Tin bài liên quan