3 lựa chọn cho bài toán nợ công

3 lựa chọn cho bài toán nợ công

(ĐTCK) Việt Nam hoặc phải tăng thu, giảm chi, hoặc cả hai để giảm áp lực nợ công.

Nợ công đã tăng từ mức 62,2% GDP năm 2015 lên mức dự kiến 64,9% năm 2016. Tốc độ tăng bình quân nợ công giai đoạn 2011 - 2016 vào khoảng 17,5%, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Dù quy mô nợ công của Việt Nam tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tổ chức này đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi rất tích cực trong việc quản lý tài khóa thận trọng và việc quan tâm tới công tác quản lý nợ là điểm quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

“Rất khó để xác định được đâu là ngưỡng phù hợp của tỷ lệ nợ công trên GDP, tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam đặt ra trần nợ công 65% GDP là một chính sách cần thiết”, bà Kristalina Georgieva cho biết.

Cũng theo Tổng giám đốc điều hành WB, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam hoặc phải tăng thu, giảm chi hoặc cả hai để giảm áp lực nợ công.

Cụ thể, cần cải cách để làm sao tăng thu ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động và đóng góp cho ngân sách; thiết kế được những cơ chế thu hồi vốn trong dịch vụ công như cung cấp điện, nước…

Bên cạnh đó, việc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng vì sẽ giúp Chính phủ có được trạng thái ngân sách tốt hơn và có nguồn lực đầu tư vào con người.

Về vấn đề ngân sách, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Ban Kinh tế trung ương đã chỉ rõ, công tác điều hành chính sách tài khóa còn những tồn tại.

Thứ nhất, kỷ luật tài khóa vẫn chưa nghiêm. Theo Báo cáo, trong năm 2016, tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí  là 793,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với chi thường xuyên (937,6 nghìn tỷ đồng) dẫn đến thiếu tích lũy từ ngân sách. Bên cạnh đó, nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không được sử dụng cho chi thường xuyên đã bị vi phạm khi một phần vay bù đắp bội chi đã được sử dụng để trả nợ gốc.

Thứ hai, thu nội địa còn dựa vào nguồn thu thiếu bền vững. Nếu trừ đi thu từ tiền sử dụng đất, từ bán cổ phần sở hữu nhà nước, tăng sản lượng khai thác dầu thô thì thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước sẽ giảm từ 79,8% xuống 65%, phản ánh thu nội lực từ nền kinh tế (hoạt động sản xuất kinh doanh) không lớn.

Trong khi đó, chi thường xuyên và chi trả nợ tăng nhanh khiến chi đầu tư phát triển thấp và giảm mạnh qua các năm. Chi thường xuyên tăng bình quân ở mức 15% trong giai đoạn 2011 - 2016. Trong khi, chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách nhà nước giảm từ 26,4% năm 2011 xuống 20% năm 2016 cho thấy, cơ cấu chi chưa cân đối, tích cực và thiếu vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới câu chuyện tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm. Tính đến tháng 10/2016, vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới giải ngân khoảng 64% dự toán (cùng kỳ năm 2015, 2014 lần lượt là 69,6% và 84,9%), vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân khoảng 44,1% dự toán (cùng kỳ năm 2015, 2014 lần lượt là 54% và 64,9%) làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ban Kinh tế trung ương tính toán, với mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương với 3,5% GDP, dự kiến dư nợ công đến 31/12/2017 khoảng 64,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,3%, dư nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,4% GDP.

Dư nợ công so với GDP năm 2017 có thể đối diện với rủi ro vượt trần theo quy định (65% GDP) nếu tốc độ tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch (6,7%). Đồng thời, cũng tồn tại một số rủi ro trong quá trình vay nợ.

Cụ thể, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm hiện đảm bảo quy định dưới 30% tổng khối lượng phát hành năm, tuy nhiên, thời gian đáo hạn ngắn (năm 2019 - 2020) sẽ tạo áp lực trả nợ lên thu ngân sách, vay đảo nợ trong bối cảnh bội chi ngân sách vẫn ở mức cao.

Hơn nữa, tỷ lệ đồng USD, JPY tương đối cao trong dư nợ ngoại tệ của Chính phủ (tương ứng 44% và 32%), do đó những biến động bất định trên thị trường tài chính thế giới có thể ảnh hưởng đến quy mô nợ cũng như nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Trong bối cảnh này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, tỷ lệ nợ công trên GDP có thể vượt trần Quốc hội đề ra đầu năm nay, dù trần giới hạn của nợ chính phủ đã tăng lên 54% GDP từ mức 50%.

Tin bài liên quan